Vài nét về cổng làng Mông Phụ - Cổng làng trước khi vào khu du lịch Đường Lâm Sơn Tây Hà Nội
Cổng làng Mông Phụ là cửa ngõ chính vào làng Mông Phụ có niên đại thời Lê (thế kỷ XVIII).
Cổng làng phảng phất như một ngôi nhà, thông thoáng đón ta vào làng. Cổng làng ẩn mình dưới cây cổ thụ, phía trước là cánh đồng, tạo ra cảnh quan không gian kiến trúc hài hoà, một bức tranh làng quê tuyệt đẹp. Đây là một dạng cổng làng nổi tiếng của các nông thôn đồng bằng Bắc bộ của nước ta.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Mông Phụ hiện còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng nổi tiếng như: đình Mông Phụ (thờ Phùng Hưng), nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, cổng làng Mông Phụ, các nhà cổ... Ở làng Mông Phụ hiện có khoảng 100 ngôi nhà cổ được xây dựng từ 100 đến 200 năm. Dấu tích nhiều công trình cổ ở Mông Phụ đã có cách nay gần ngàn năm.
Trong số 9 thôn thuộc xã Đường Lâm hiện nay có 5 thôn thực sự là những làng cổ: Cam Thịnh (gọi tắt từ Cam Giá Thịnh), Cam Lâm (trước gọi là Cam Tuyền), Đoài Giáp, Đông Sàng và Mông Phụ. 4 thôn kia thì tương đối mới: vào nửa đầu thế kỷ 19, Phụ Khang là một xóm biệt lập của Mông Phụ; vốn là xóm cũ của Đông Sàng và Cam Thịnh, 2 làng Hà Tân và Hưng Thịnh được biến thành thôn cách đây khoảng 30 - 40 mươi năm; còn Văn Miếu thì mới tách ra từ Mông Phụ.
Làng Mông Phụ là một làng cổ trong 9 làng của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), trấn sở Sơn Tây được dời từ xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay là xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) về làng Mông Phụ. Cho đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), trấn sở mới về thôn Thuần Nghệ - nội thị Sơn Tây ngày nay.
Một điểm đặc biệt là Đường Lâm còn giữ được một cổng làng cổ ở làng Mông Phụ. Đây không phải là một cổng làng như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò mà chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng. Cũng ở làng Mông Phụ có đình Mông Phụ - được xây dựng năm 1684 (niên hiệu Vĩnh Tộ đời vua Lê Hy Tông) - là ngôi đình đặc trưng cho đình Việt truyền thống. Sân đình thấp hơn mặt bằng xung quanh nên khi trời mưa, nước chảy vào sân rồi thoát ra theo hai cống ở bên tạo thành hình tượng hai râu rồng. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội từ mùng Một đến mùng Mười tháng Giêng âm lịch với các trò chơi như thu lợn thờ, thi gà thờ,...
Về nhà cổ, ở Đường Lâm có 956 ngôi nhà truyền thống trong đó các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh lần lượt có 441, 350 và 165 nhà. Cò nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu (năm 1649, 1703, 1850,...). Đặc trưng của nhà cổ truyền thống ở đây là tất cả đều được xây từ những khối xây bằng đá ong.
Trong số 8 di tích lịch sử - văn hóa ở Đường Lâm (có đình Mông Phụ), chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự) được Bộ Văn hóa Thông tin xếp vào loại đặc biệt. Chùa có 287 pho tượng gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất (làm từ đất sét, thân và rễ cây si).