Làng Đông Cứu - Nơi thêu khăn chầu, áo ngự nức tiếng Hà thành
Làng nghề Đông Cứu – ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ là nơi có truyền thống lâu đời về nghề thêu tay, chuyên chế tác phẩm phục cho triều đình, cụ thể là các bậc vua chúa và quan quân. Đến nay, nhiều mẫu áo, vật dụng có họa tiết hoa văn cổ qua các triều đại xưa đã được người dân làng nghề kỳ công phục dựng, bảo tồn.
Lịch sử hình thành
Ngược dòng thời gian, theo các thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu đã sớm xuất hiện dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (năm 1746).
Làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời Vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi đi sứ phương Bắc, ông học được kỹ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.
Đặc điểm làng nghề và sản phẩm
Nơi lưu giữ nét nghề phục dựng – chế tác phẩm phục cho triều đình
Với kỹ thuật thêu điêu luyện, những người thợ lành nghề nơi đây từng được các vua triều Nguyễn năm xưa mời vào kinh đô Huế may vá, thêu thùa hoa văn trên các bộ trang phục hoàng cung. Đến nay, tuy đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, Đông Cứu vẫn là ngôi làng duy nhất trên đất Bắc còn giữ được lối thêu cổ, giữ được nghề phục dựng long bào, áo mão cho vua chúa, quan lại, quý tộc trong triều đình xưa.
Đối mặt với thời cuộc, làng nghề đã có những thay đổi để tiếp tục sống còn và gìn giữ nghề mà tổ tiên truyền lại. Hoàng bào, mấn, mão hay lọng giờ đây được chế tác để phục vụ cho việc bảo tồn di sản, nghi thức thờ cúng và làm phim. Sản phẩm chủ yếu của làng Đông Cứu hiện nay chính là tranh thêu, câu đối làm quà lưu niệm,…
Nghệ nhân tại làng Đông Cứu thường được chỉ dạy bằng cách truyền miệng và được các bậc đi trước hướng dẫn chứ không thông qua trường lớp cụ thể. Đây được xem một trong những vấn đề quan trọng cần được xem xét để có thể xây dựng những ngôi trường đào tạo, giữ gìn kỹ thuật thêu cung đình nói riêng và các ngành nghề thủ công khác nói chung.
Tuy được truyền lại qua các thế hệ trong gia đình bằng cách truyền miệng, không có bài vở, nhưng không vì thế mà chất lượng sản phẩm của làng thêu bị giảm đi. Dù là áo mũ vua quan hàng trăm năm trước hay nghi môn, câu đối, trướng, tán, lọng phục vụ quay phim, quà lưu niệm đều phải đáp ứng những quy tắc ngặt nghèo và đòi hỏi cái tâm của người nghệ nhân trong từng đường kim mũi chỉ.
Kỹ thuật thêu phức tạp làm nên thương hiệu cho sản phẩm làng thêu
Nghề thêu Đông Cứu có nhiều kỹ thuật đặc trưng, dễ phân biệt với các địa phương khác như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa phải bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại. Các kỹ thuật này kết hợp nhịp nhàng với nhau tạo thành những hoa văn tinh xảo mà chỉ có những người có tay nghề, trình độ cao trong làng mới có thể thực hiện được.
Với trang phục dành cho vua, dù là một ngàn hay chục ngàn mũi chỉ thì tất cả các mũi phải đều nhau tăm tắp về khoảng cách, độ dài,… Khi thêu, người thợ phải bắt nét thật nhịp nhàng vào sợi kim tuyến, chưa kể các sợi kim tuyến đều là vàng thật nên công việc bắt nét còn khó khăn hơn nhiều. Hơn nữa, bất kể họa tiết nào, các mũi chỉ đều phải thêu theo một hướng nhất định.
Chọn chỉ trong thêu áo cho vua và hoàng gia cũng phải tuân thủ những quy tắc khắt khe khác. Áo long bào của vua bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều, trong khi đó, áo Hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều… Cỡ chỉ cũng được quy định cho từng loại áo. Đặc biệt, mỗi hoạ tiết thêu trên áo long bào lại có những đòi hỏi về màu sắc riêng, ví như màu lam thể hiện hình ảnh sóng nước trên áo Vua, mỗi mảng lại đòi hỏi những màu lam khác nhau, và trên mỗi mảng đó, bắt buộc phải có 5 sắc độ lam, từ đậm đến nhạt. Mỗi họa tiết, hình thêu đều có ý nghĩa về phong thủy và chúc tụng nhà vua và hoàng gia.