Đền Voi Phục - một trong “tứ trấn” của vùng đất Thăng Long Hà Nội

Đền Voi Phục mang trong mình giá trị văn hóa, tâm linh đặc biệt của người dân Hà thành. Kiến trúc truyền thống và không gian yên bình của đền là điểm thu hút du khách tới tham quan.

Đền Voi Phục còn có tên gọi khác là: Đền Voi Phục Thủ Lệ, bởi ở Hà Nội còn có đền Voi Phục Thụy Khuê. Đền Voi Phục là một trong bốn ngôi đền Thăng Long tứ trấn thời xưa. Bốn ngôi đền thờ bốn vị thần trấn giữ Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long. Trong đó, đền Voi Phục trấn phía Tây thành Thăng Long.  

Truyền thuyết đền Voi Phục gắn liền với hoàng tử Linh Lang - người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống. Sau khi mất trên phòng tuyến sông Cầu năm 1076, người dân Thủ Lệ đã lập đền thờ và nhà vua đã phong Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Do trước đền có hai con voi quỳ gối, nên người dân gọi là đền Voi Phục; còn tên trấn Tây hoặc trấn Đoài xuất phát từ vị trí đền nằm ở phía Tây kinh thành.

Đền thờ hoàng tử Linh Lang là con trai của vua Lý Thánh Tông và bà phi Dương Thị Quang. Tuy nhiên, nhiều người lại truyền tai nhau, hoàng tử Linh Lang vốn là con của Long Quân. Theo tương truyền, đền Voi Phục được xây dựng vào năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7 (năm 1065) trong triều đại của vua Lý Thánh Tông, tọa lạc trên một khu đất gò cao ở trại Thủ Lệ.  

Đền đã được tu sửa nhiều lần qua các năm 1994, 2000, cho đến năm 2009 đền được trùng tu tôn tạo một lần nữa để hướng tới lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Đền Voi Phục có kiến trúc rất cổ kính. Ngay lối vào đền là 12 bậc đá rộng dành cho việc rước kiệu trong ngày lễ, lối hai bên dành cho ngày thường. Trước sân giữa lối chính là một giếng nước hình bán nguyệt, được xây dựng với ý nghĩa cầu nước và ước mong no đủ được thể hiện qua đôi rồng mây chạm tròn từ đá. Đi sâu vào bên trong, du khách sẽ thấy nét đẹp cổ kính của mái đền được chạm khắc phượng, lân, rồng, long châu và hổ. Ngoài ra, khu vực chính điện được đặt bài vị, ngai vàng và bức tượng của thần Linh Lang uy nghiêm. Hậu đường của đền cũng được xây dựng bằng gỗ lim và đặt một đôi linh vật bằng đá trước hiên. 

Lễ hội tại đền Voi Phục là một trải nghiệm tâm linh và văn hóa độc đáo cho người dân Thủ đô và du khách bốn phương. Lễ hội diễn ra vào 3 ngày: mùng 9, 10, 11 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Du khách sẽ được chứng kiến các hoạt động tôn giáo và nghi lễ truyền thống để tưởng nhớ hoàng tử Linh Lang. Ngoài ra, tham gia lễ hội du khách cũng được tham gia nhiều hoạt động, vui chơi hấp dẫn, nổi bất nhất là rước kiệu, dâng hương, tế lễ, chọi gà, võ thuật... Việc đi lễ đền Voi Phục thường có mục đích cầu mong sự bình an, may mắn, tài lộc và thành công trong cuộc sống. Ngoài ra, du khách đến lễ bái tại đền còn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mọi việc hanh thông và suôn sẻ. Bởi vậy, không chỉ vào 3 ngày lễ chính mà các ngày lễ, Tết khác, đền cũng rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái. 

 

 

Bài mới
Bài cũ