Dở hay ăn cỗ lấy phần và bài thơ "ăn cỗ lấy phần" của người Nam Định mà chắc hẳn không phải ai cũng biết
“Ăn cỗ lấy phần” là một nét văn hóa mang tính truyền thống và lịch sử. Ngày nay, sự ăn uống với nhiều gia đình đã không còn là vấn đề, nhưng phong tục này vẫn được duy trì ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc.
Tại nhiều vùng nông thôn miền Bắc, khi đi ăn cỗ cưới, chủ nhà ngoài sắp xếp những món ăn ngon, còn để thêm các túi bóng để người đi ăn cỗ có thể lấy phần mang về. Đa số các mâm phụ nữ, các bà, các chị chỉ ăn những món nóng, còn những món nguội như xôi nếp, gà, giò, tôm, thịt, hoa quả, họ cho vào túi mang về cho con cháu. Nhiều khi trong làng, trong họ có cụ già không đến ăn cỗ, chủ nhà còn chuẩn bị một đĩa xôi, giò, nước ngọt, hoa quả để mang đến biếu.
Những ngày này, thông tin việc khách đến ăn cỗ lấy phần ở một vùng quê Nam Định khiến không ít người ngạc nhiên, thậm chí chê cười. Nhưng ít người biết rằng, việc ăn cỗ lấy phần này đã diễn ra từ lâu nay ở một số vùng quê thuộc tỉnh Nam Định, và đã có hẳn 1 bài thời về "Ăn cỗ lấy phần".
Bài thơ như sau:
“Quê tôi ăn cỗ lấy phần
Người ta thấy lạ phân vân rồi cười
Ai xa cố gắng về chơi
Ở lâu mới biết con người thành Nam.
Chịu thương chịu khó ham làm
Biết nhường biết nhịn chẳng tham bao giờ
Cái thời còn đói khổ cơ
Mẹ đi ăn cỗ con chờ, chồng mong
Quanh năm vất vả long đong
Chạy ăn bữa trước phải phòng bữa sau
Cả làng đâu có ai giàu
Có công có việc giúp nhau tận tường
Mẹ ,cha biển rộng tình thương
Ăn khoai với sắn cơm nhường phần con
Đi đám mà có miếng ngon
Không ăn gói lại dành con ở nhà
Cũng theo truyền thống thôi nha
Miếng xương phần mẹ thịt là của con
Nghèo nhưng đạo nghĩa vuông tròn
Tình cha nghĩa mẹ héo hon mặn nồng
Nghĩ xem có đáng cười không?
Đau lòng cha mẹ có công nuôi mình
Ai chẳng muốn đẹp muốn xinh
Lấy phần không xấu là tình thương thôi
Giờ thì chắc bạn hiểu rồi
Quê mình có cỗ tớ mời về ăn…”
Theo lý giải của người địa phương, lệ này xuất phát từ việc xa xưa, đời sống của số đông người dân còn khó khăn, thiếu thốn, nhiều người ít khi được ăn no, ăn những món ăn ngon, trừ khi được đi ăn cỗ nơi đình đám, giỗ chạp. Chia cỗ, lấy phần mang về khi được mời đi ăn cỗ là cách người đi ăn cỗ quan tâm, chia sẻ với người thân ở nhà, ông bà nhớ đến các cháu, con cháu nhớ đến bố mẹ, ông bà, muốn dành cho nhau miếng ăn ngon, vốn thường ngày không có được. Quả là cách nghĩ, việc làm đẹp khi cuộc sống còn khó khăn, cái ăn còn thiếu. Lâu dần, việc chia phần, lấy phần khi đi ăn cỗ trở thành lệ, việc đương nhiên, nét văn hóa, được cả cộng đồng chấp nhận, duy trì.
Nói về chuyện ăn cỗ ở nông thôn, mỗi khi nhà có cỗ, bố mẹ thường phải đến từng nhà để mời (không như bây giờ, chỉ bằng một cuộc điện thoại); gần đến bữa lại sai trẻ con đi mời lại. Trước khi đi, bao giờ cũng được bố mẹ dặn rất kỹ phải chào hỏi ra sao, mời mọc thế nào. Vậy nhưng, thường sát giờ ăn vẫn chưa thấy khách, nhất là các cụ già đến, làm gia chủ rất sốt ruột, “đi ra đi vào”, lo lắng nhỡ việc mời mọc có gì thất thố trong khi trẻ con “rất bực” vì lại bị sai đi “thỉnh” lại. Sau này thì nhận ra rằng, sâu xa của việc mỗi khi được mời ăn cỗ những người họ hàng của mình thường ít khi đến ngay, cứ phải mời “năm lần, bảy lượt” mới đến cũng là do cái sự khó khăn, thiếu thốn mà thành ra nặng nề. Nghĩa là, khi đó, được mời ăn cỗ ai cũng phấn khởi, được tụ họp, được ăn no, ăn ngon nhưng nếu đến luôn, đến ngay thì lại sợ “mang tiếng”. Âu cũng là “cái sang” của cha ông ngay cả khi còn nghèo cái ăn. Hay, mẩu chuyện dân gian “Đánh chó qua nhà giỗ” cũng gợi nên nhiều điều về cái ăn một thời…
Trở lại chuyện chia phần, lấy phần khi đi ăn cỗ, dưới góc nhìn của cuộc sống đã đủ đầy hơn hôm nay, lệ này nói theo ngôn ngữ bây giờ là… có gì đó sai sai, không còn phù hợp. “Chẳng đẹp mắt tý nào khi trong bữa cỗ, thay bằng việc chuyện trò, chung vui (việc hỷ), chia sẻ (việc buồn) với gia chủ, những người đến dự lại mải lo chia… cỗ. Phải làm thêm cỗ để cho khách chia phần mang về cũng khiến gia chủ vất vả, tốn kém hơn rất nhiều. Người đến dự vì vậy cũng băn khoăn với việc phải chuẩn bị món tiền mừng, tiền phúng sao cho tương xứng.
Xuất phát từ nhìn nhận trên, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài việc huy động nguồn lực xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng cùng nhiều đầu việc khác, nhân dân cũng phát động cùng nhau thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, loại bỏ những tập tục lệ tục không còn phù hợp, trong đó có việc chia phần, lấy phần khi đi ăn cỗ. Không chỉ tuyên truyền, vận động, thực hiện thí điểm, nhân rộng mà còn hướng dẫn các khu dân cư họp dân để bàn thảo sửa đổi, bổ sung hương ước cho phù hợp với cuộc sống mới. Theo đó, hầu hết hương ước các xóm giờ đều quy định khi tổ chức đám cưới, các gia đình chỉ làm cỗ đủ ăn, không “làm thêm cỗ để chia phần” và “đi ăn cỗ không lấy phần”.
Dù dưới góc nhìn nào thì việc một số địa phương ở Nam Định đang vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, loại bỏ những lệ tục không còn phù hợp, trong đó có việc chia phần, lấy phần khi đi ăn cỗ là một chỉ dấu nữa cho thấy công cuộc đổi mới đã giúp đời sống nông thôn nhiều nơi đã giàu hơn, “sang” hơn rất nhiều; cho thấy việc xây dựng nông thôn mới đã đi vào chiều sâu, ngoài phần cứng, những mục tiêu về vật chất đã hướng đến, chú trọng các yếu tố văn hóa, văn minh, tinh thần. Và, suy cho cùng, lệ tục do nhu cầu của cuộc sống mà hình thành. Nếu không còn phù hợp, cần thiết, lệ tục sẽ bị chính cuộc sống điều chỉnh, loại bỏ một cách tự nhiên. Lệ chia phần, lấy phần khi đi ăn cỗ ở nông thôn cũng vậy thôi!