Sống dầu đèn, chết kèn trống? Những góc nhìn khác nhau về văn hóa truyền thống và Đạo Phật

"Sống Dầu Đèn - Chết Kèn Trống" chính là một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam chúng ta.

Tại sao lại có câu nơi này?
Vì ngày xưa, không được hiện đại và cũng không có điện như bây giờ, Đèn- Dầu thời bấy giờ rất được coi trọng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, thì mọi người sẽ quây quần lại trước ngọn Đèn Dầu để nói chuyện trà nước thư giãn.
Còn khi trong nhà có Tang Sự, thì nhất định phải có Kèn Trống, thời bấy giờ gọi là Phường Bát âm chứ không gọi là Ban Nhạc Lễ (Nhạc Hiếu) như hiện nay. Gọi là Phường Bát âm tại vì nếu để đúng lễ nghi tang lễ truyền thông thì phải có đầy đủ các loại nhạc cụ như: kèn, sáo, trống, chiêng, đàn nhị, đàn nguyệt, v.v... để thể hiện đủ 8 âm điệu.
Tại sao trong đám tang không thể thiếu Ban Nhạc Lễ?
Nhạc Lễ Đám Tang hay còn có cách gọi khác là Nhạc Hiếu Đám Ma. Là một trong những nghi thức không thể nào thiếu trong Đám Tang của người Việt. Việc sử dụng Nhạc Lễ mang một ý nghĩa sâu sắc trong một chương trình đám tang, điều này giúp người ở lại thể hiện tình cảm yêu thương, sự xót thương vô bờ bến của người ở lại tiễn đưa người quá cổ về cõi vĩnh hằng trong thanh thản và nhẹ nhàng.

Còn đối với Đạo Phật, một Phật tử đã hỏi: "Kính thưa Thầy, lúc nhà có người chết, phải mời trống kèn đến thổi kèn và đánh trống ầm ĩ, linh đình, làm cho người chết lẫn người sống quên đi sự đau buồn kẻ ở, người đi. Tục ngữ có câu: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Thưa Thầy, lại có người bảo: “Thổi kèn trống gọi ma về rủ vong đi, như vậy có đúng không, thưa Thầy"

Sư thầy đã trả lời:

"Trong kinh sách Nguyên Thủy của đạo Phật không có dạy điều này. Thổi kèn đánh trống ầm ĩ, để quên đi sự đau buồn (của cảnh tử biệt, sanh ly, kẻ ở, người đi), để an ủi tinh thần của người còn sống thì đúng, còn rủ ma về gọi vong đi thì không đúng (mê tín). Nếu đứng về góc độ thế gian, thổi kèn đánh trống ầm ĩ để quên đi sự đau buồn kẻ mất, người đi thì được tha thứ, còn rủ ma về gọi vong đi, thì không được tha thứ. Đó là tưởng tri thuộc về mê tín, dị đoan.
Theo đạo Phật, khi một người chết thì các duyên tan rã hết, không còn tồn tại một vật gì, làm sao người chết có đau buồn? Chỉ có người còn sống thương nhớ, thấy mọi kỷ niệm của người chết còn lại thì lòng đau như muối xát.
Theo tinh thần tự lực của Phật giáo, mọi người đều nên trang bị một sự hiểu biết thấu suốt các pháp thế gian này đều do duyên hợp tạo thành. Thế nên mọi vật đều bị luật vô thường chi phối, thường xuyên thay đổi, biến dịch, có thành phải có hoại, có sanh thì có chết. Vì thế, con người sống trên thế gian này, không ai tránh khỏi điều đó (sanh tử). Người đệ tử của Phật đều phải chuẩn bị cho mình một tinh thần vững chắc, với một trí tuệ thông suốt lý nhân quả, để ứng dụng đối phó trực tiếp trước mọi cảnh tai ương, bịnh tật, gian nan, hiểm nguy mà không hề sợ hãi, sờn lòng. Trước cảnh ly tan hoặc sum họp cũng chẳng buồn, chẳng vui; trước cảnh tử biệt, sanh ly cũng chẳng thương khóc nức nở. Với trí tuệ nhân quả của đạo Phật, mọi sự việc trên đời này xảy ra trước mắt họ, họ đều thấy rõ ràng: “Các pháp là vô thường, nay còn, mai mất là lẽ đương nhiên của các pháp duyên hợp”. 


Vì đã chuẩn bị tinh thần vững chắc với sức định tĩnh và trí tuệ nhân quả, luôn luôn sống trong chánh niệm (niệm thiện), người đệ tử của Phật thản nhiên trước mọi tình huống. Không làm khổ mình, khổ người, thì trước cảnh sanh ly, tử biệt cần gì đến trống kèn ầm ĩ. Đám ma mà làm giống như đám hát, thật là một việc làm không đúng cách.
Nếu chúng ta là những đứa con hiếu tử thì trống kèn làm sao vui cho được khi mà mất cha, mất mẹ. Chúng ta nên giữ im lặng để hồi tưởng lại công ơn sanh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Một người con hiếu được theo học đạo Phật, khi cha mẹ mất hoặc có người thân mất là một điều nhắc nhở rất lớn cho họ. Phải làm sao, bằng cách nào giúp cha mẹ hoặc những người thân của mình thoát vòng sanh tử, luân hồi, chấm dứt sự khổ đau của kiếp người..."

Còn bạn, bạn sẽ nghiêng theo quan điểm nào trong thời đại bây giờ?

 

 

Bài mới
Bài cũ