Tháp Hòa Phong Hà Nội: Dấu tích còn sót lại của chùa Báo Ân năm xưa

Nhắc đến vẻ đẹp cổ kính của mảnh đất nghìn năm văn hiến không thể không nhắc đến tháp Hòa Phong, dấu tích còn sót lại của chùa Báo Ân năm xưa.

Nằm cạnh bên Hồ Gươm, lấp ló sau con đường rợp bóng cây xanh là hình ảnh tòa tháp Hòa Phong quá đỗi thân thuộc với người dân Hà thành. Tháp Hòa Phong tọa lạc trên con đường Đinh Tiên Hoàng nằm ở phía Đông Nam hồ Hoàn Kiếm.

Để có thể dễ dàng xác định được vị trí của nó bạn có thể tìm đường đến Bưu điện trung tâm là sẽ thấy. Tòa tháp cổ kính nhuốm màu rêu phong theo năm tháng, vừa lạ lại vừa quen.

Quen vì nó đã sừng sững nơi đây từ hàng thế kỷ trước. Lạ vì ít ai biết được rằng nó là điều duy nhất còn sót lại của di tích chùa Báo Ân ngày xưa.

Theo như những gì sử sách ghi lại, tháp Hòa Phong là một phần của ngôi chùa gọi là Báo Ân. Tuy nhiên thì ngày nay công trình kiến trúc này chỉ còn lại tháp Hòa Phong. Tháp Hòa Phong có diện tích khá nhỏ, gồm có 3 tầng, trên đỉnh có một bầu hồ lô làm điểm nhấn.

Tầng 1 của tháp được thiết kế với 4 cửa vòm, phía trên đề lần lượt là Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn và cuối cùng là Báo Phúc môn. Tầng 2 thì được trang trí bằng bốn bức tượng nghê đá. Tầng 3 đề biển hiệu “Hòa Phong tháp”. Lối kiến trúc của tòa tháp này mang đậm chất Á Đông.

Ý nghĩa của di tích tháp Hòa Phong

Sự sót lại của tháp Hòa Phong không chỉ đại diện cho một thời lịch sử oanh liệt của ông cha mà còn thể hiện được những giá trị văn hóa sâu sắc từ xưa đến nay. Nhìn vào tháp như hiện lên trước mắt về một thời quá khứ oai hùng sống động.

Tháp là chứng tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật vô giá của Thăng Long – Hà Nội. Việc tồn tại như một điều cuối cùng của công trình kiến trúc lớn thời xưa đánh dấu cho giá trị lịch sử và văn hóa không thể xóa nhòa. Tháp là hình ảnh để người ta có thể tìm lại dấu vết của một thời quá khứ đã xa.

 Sự tích Tháp Hòa Phong

Tháp Hòa Phong Hà Nội mang vẻ đẹp cổ kính của đất Thủ đô. Nhưng mấy ai biết được về sự tích tháp Hòa Phong cũng như là những điều mà nó trải qua trong những năm lửa đạn chiến tranh.

Theo như sử sách ghi lại thì nơi đây được xây dựng bởi Tổng đốc Hà Ninh. Ông là một vị quan tốt có tiếng thời Thiệu Trị. Năm 1846 khi đang giữ chức Tổng đốc Hà Ninh, ông chính là người kêu gọi quyên góp để xây một ngôi chùa tên gọi là Báo Ân có quy mô hoành tráng lúc bấy giờ.

Theo như bản vẽ để lại, chùa có khuôn viên rộng lớn, dọc theo con đường ven hồ về phía Đông chính là tháp Hòa Phong. Tháp nằm ngoài cổng chùa, chắc cũng vì lí do đó mà tháp có thể tồn tại đến tận ngày nay.

Có nhiều mốc thời gian về thời điểm mà chùa bị phá hủy. Tư liệu còn sót lại có đề cập đến tháng 11 năm 1885, viên Toàn quyền Đông Dương De Lanessan đã cho người thiêu cháy hết những ngôi nhà lá dọc hồ Gươm. Hơn 300 căn nhà chỉ còn lại tro than vào đêm 22/01/1886.

Ngày 28 lại có thêm một vụ cháy lớn thiêu đốt toàn bộ thôn Cự Lâu, khiến cho ngôi chùa cũng chỉ còn là quá khứ. Đến năm 1888 thì thực dân Pháp đã phá bỏ chùa và xây nên bưu điện Hà Nội ngày nay, chỉ còn để lại tháp Hòa Phong như một chứng nhân lịch sử.

Ngọn tháp Hòa Phong hay còn có nghĩa là tháp của gió thuận, nằm ngoài cổng cũng như là điểm khởi nguồn của chùa. Tháp được xây theo hình vuông, và theo kiểu càng về phía đỉnh sẽ càng nhỏ dần.

Mỗi tầng đều có nét đặc biệt riêng, từ những lối cửa vòm tầng 1, đến những tượng con nghê, những hình bát quát ở tầng 2 và điểm nhấn đỉnh nhọn ở tầng 3. Tháp Hòa Phong là một công trình nhỏ bé nhưng duyên dáng, là sự kết hợp hoàn hảo của 3 nền tôn giáo Nho, Phật, Đạo...

 

Bài mới
Bài cũ