Chùa Thầy. Tại sao lại có tên là Chùa Thầy. Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài
Tọa lạc dưới chân dải núi đá vôi hình vòng cung thuộc vùng đất xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, chùa Thầy từ lâu được biết đến là một trong những ngôi chùa linh thiêng và cổ kính của Hà Nội, đã cả ngàn năm tuổi.
Đối với những người dân sinh ra và lớn lên quanh ngôi chùa này, từ già đến trẻ, chẳng ai còn lạ lẫm với sự tích li kì về thiền sư Từ Đạo Hạnh- vị trụ trì đầu tiên đã có công chữa bệnh, dạy học cho dân trong vùng. Chùa Thầy do Đức Thánh Từ Đạo Hạnh xây dựng và sáng lập nên. Về đây tu hành ngài là thầy tu, ngài còn là thầy lang, hái lá thuốc chữa bệnh cho dân khỏi rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Ngài còn là thầy dạy về văn hóa, như đá cầu, đánh vật, múa rối nước... Nhân dân cảm phục, gọi ngài bằng một từ thân thuộc, đó là chữ “Thầy” và truyền bá chữ “Thầy” đó cho tới ngày nay, chùa Thầy, làng Thầy, núi Thầy, dân sống ở đây người ta gọi là dân Thầy.”
Không chỉ gắn liền với tên tuổi của vị danh tăng Từ Đạo Hạnh - người mở đầu cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ có sức ảnh hưởng lớn thời Lý-Trần, sử sách còn ghi lại nhiều truyền thuyết khác về chùa Thầy xoay quanh cuộc đời Minh Châu công chúa, Bà chúa Đặng Thị Huệ hay Đại phu nhân từ Nguyễn Thị Ngọc Điền. Các Bà Chúa về chùa Thầy để quy tam bảo ngôi chùa, trùng tu và sửa sang về chùa. Sau khi bà ấy viên tịch đi, có nghĩa là mất đi thì các đời sau tạc tượng thờ bà. Đặc biệt nhất như bà Lê Thị Ngọc Thánh Minh Châu công chúa, thi hài của bà được an táng tại trên đỉnh núi Sài Sơn, hiện nay ngôi mộ đó vẫn còn, người ta gọi là Am Đức Bà.”
“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ. Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”.
Tương truyền, hang Cắc Cớ là nơi thi sĩ Hồ Xuân Hương từng ghé tới vịnh thơ, cái tên “Cắc Cớ” cũng từ ấy mà trở nên thân thuộc với mỗi người dân xứ Thầy.
Hang Cắc Cớ vốn được người dân trong vùng coi là nơi đem lại nhiều may mắn về tình duyên, nhưng cũng chỉ những người đã sống lâu năm ở đất Thầy mới tường tận cái sự tích thần bí về hang Cắc Cớ. Vượt qua con dốc với hơn 200 bậc đá trơn trượt và hiểm trở, lên tới đỉnh chùa là tới cửa hang. Hang sâu thẳm, tối om, phải dùng đèn pin và đi dò dẫm từng bước mới có thể xuống được.
Tương truyền, đây từng là nơi 3000 nghĩa quân chống giặc Nam Hán hi sinh. Bà Nguyễn Thị Dậu, 64 tuổi, người đã vài chục năm quanh quẩn với cái chòi bán tạp hóa trên con dốc lên hang Cắc Cớ kể rằng: “Có 3000 nghĩa quân ngày xưa chống quân Nam Hán, khi người ta hết lương thực rút vào hang, bị quân Nam Hán bao vây, lấp cửa hang, cả đoàn nghĩa quân chết đói ở đấy, chịu chết đói chứ không đầu hàng. Sau đó người ta xây cái bể sâu 15 mét rồi xây bệ thờ làm thành ngôi mộ chung. Rất nhiều người đến hang Cắc Cớ để thắp hương cho nghĩa quân.”
Ngoài ra, cũng có một định nghĩa khác về tên của Chùa Thầy. Chùa Thầy là một nhóm những ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.
Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới, tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự. Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân chùa như hàm rồng ,thủy đình như viên ngọc rồng ngậm.Cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng.
Vì chùa Thầy nằm ở xứ Đoài, nơi ít bị ảnh hưởng trong suốt hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, với quan hệ đặc biệt với các Hoàng gia triều Lý, hậu Lê nên chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý.
Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc.
Nhưng hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở.