Cây di sản Việt Nam - Cây bồ đề hơn 300 năm tuổi

Đây là những cổng làng độc đáo còn sót lại trong quá trình đô thị hóa ở các làng quê Bắc Bộ. Nó không chỉ là “báu vật” của người dân mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ sáng tác ảnh hay các nghệ nhân làm cây cảnh nghệ thuật. 

Ai đi qua thôn Phú Hậu, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch sẽ không khỏi trầm trồ khi ngắm nhìn cổng ngôi đình Phú Hậu. Đó là cây Bồ đề đứng bên đền thờ hai vị Thánh Mẫu và cây Bồ đề bao kín bức tường trước cửa ngôi đình thờ Cao Minh Đại Vương. Có thể nói cây Bồ đề ôm trọn cổng Đình làng Phú Hậu vào loại một trong những cây có dáng đẹp nhất Việt Nam. Về mùa khô, nhìn cây Bồ đề giống con Rồng cuộn ẩn mình trên cổng đình. Về mùa mưa, nhìn cây giống như Rồng vờn mây, uốn lượn vẫy vùng trên sóng. Dưới con mắt của những người yêu nghệ thuật, sự quấn quýt giữa cây và cổng đã tạo nên khung cảnh được xem là đẹp nhất trong các cổng làng ở nước ta.
Lịch sử làng Phú Hậu ghi rõ, đây là vùng đất cổ nằm giữa nơi giao lưu của dòng sông Lô và sông Phó Đáy và cũng là mảnh đất cuối cùng của huyện Lập Thạch ngày xưa.. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, không bom đạn nào của kẻ thù rơi xuống sân đình. Cây bồ đề to cao, nằm ở vị trí đắc địa của làng, nên là nơi du kích và nhân dân quan sát tình hình địch từ thời kháng chiến chống Pháp; các hốc cây trên cao là những hòm thư mật trao đổi thư từ, thông tin quân cơ, còn đình làng là nơi du kích bàn chuyện chống giặc. Cây Bồ đề bên ngôi Đền thờ Nhị vị Thánh Mẫu cũng chính là cột mốc chia gianh giới giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do. 

Điều kỳ vĩ của cổng đình và cây bồ đề đó là nét cổ kính mang sự giao duyên, tụ khí của đất trời với thế long chầu, phượng vũ. Nhìn gần, những rễ cây đan tầng tầng, lớp lớp như một con rồng đang cuộn mình, phần đầu ngóc lên chờ đợi. Còn nhìn từ phía xa, các tán cây vươn xòe như chim phượng dang cánh múa trên cổng đình. 
Cây bồ đề không rõ có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ cao niên của làng nhận “chúng tôi cũng chỉ thuộc vào hàng con cháu, chút chít của “cụ bồ đề”. Thoáng nhìn cứ tưởng như cổng đình phải oằn mình chống chịu sức nặng của cây, nhưng thực ra, hàng trăm rễ to, rễ bé của cây bồ đề đan theo khung cổng làm giá đỡ, vỏ bọc cho cổng đình qua bao năm tháng. Hai cây Bồ Đề vẫn xanh tốt, cành lá xum xuê như một mình chứng cho sự trường tồn bất diệt của người con Phú Hậu
Hơn nữa hai cây Bồ Đề là nơi tránh mưa, tránh nắng của bà con mỗi khi đi làm đồng về, đặc biệt đây là nơi trú ngụ và nguồn thức ăn của nhiều loài động vật như chim, sóc, và nhiều loài thực vật ký sinh. Cả hai cây Bồ đề này được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày khánh thành Đền Nhị vị Thánh mẫu mới được tôn tạo lại.
Hàng trăm năm qua, giữa cảnh sắc ấy, đình làng Phú Hậu trầm mặc soi bóng dòng sông Lô, thờ Quý Minh Đại Vương, em Đức Thánh Tản Viên. Ngôi đình được thiết kế cấu trúc chữ “Đinh” gồm 02 gian hậu cung, 03 gian tiền tế với nhiều hiện vật có giá trị như: án gian, ngai thờ, hoành phi câu đối, kiệu bát cống và đồ thờ phụng. Đình còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, văn hóa tâm linh. Hàng năm cứ vào dịp mùng 8 đầu xuân, hội làng lại diễn ra tế lễ và tổ chức trò nấu cơm thi đặc sắc. 
Hiện nay, xã đã xây dựng các đề án để bảo tồn những khu di tích, trong đó đình làng Phú Hậu là một nhiệm vụ được chính quyền địa phương coi trọng. Theo đó, xã đã tổ chức vận động quần chúng nhân dân đóng góp sửa chữa và xây dựng một số hạng mục trong quần thể đình làng như: Bến sông đình, miếu, sân ngoài… vừa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, vừa là nơi vui chơi văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân làng Phú Hậu, đồng thời xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh cho du khách thập phương.

Bài mới
Bài cũ