Bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” và ước mơ, khát vọng của nhà nông
Việt Nam là một nước nông nghiệp với nền nông nghiệp lúa nước được phát triển cách đây hàng trăm năm. Gắn liền với đời sống của người nông dân đó là con trâu.
Ý nghĩa hình ảnh con trâu
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”mà nhà nông trước đây không thể thiếu. Trâu được người nông dân sử dụng vào mục đích cày kéo (cày bừa ruộng, kéo xe, kéo mật, kéo gỗ), sinh sản, nuôi lấy thịt, nuôi làm vật cúng tế (lễ Đâm trâu), làm vật thi đấu (chọi trâu). Môn chọi trâu ở quy mô làng xã là hình thức thể thao dân tộc gắn với lễ hội bản làng và nghi thức tín ngưỡng sản xuất theo chu trình mùa vụ. Chính vì vậy, con trâu đã trở thành một con vật được các nghệ sỹ từ cổ chí kim khắc họa vào trong những câu ca dao, tục ngữ; những khúc hát, bức tranh… hết sức thân thuộc. Trong đó không thể không nhắc đến bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” - một bức tranh khá nổi tiếng được nhiều người biết đến của làng tranh dân gian Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh.
Con trâu - tương ứng với năm Sửu, là con vật đứng thứ 2 trong 12 con giáp - là con vật được xuất hiện khá nhiều trong tranh dân gian Đông Hồ, như: “Chọi trâu”, “Chọi trâu thả diều”, “Nghỉ ngơi”, “Hiếu học”…, trong đó nổi bật và tiêu biểu là bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” bởi nó đi vào đời sống, ước mơ của người dân từ bao đời.
Phân tích bức tranh "Chăn trâu thổi sáo"
Bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” miêu tả một chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu, trên đầu đội một lá sen tỏa rộng, dưới mặt đất là cỏ. Hàng chữ trong tranh là “Hà diệp cái thanh thanh” (Lọng lá sen xanh xanh). Trong dân gian cũng lưu truyền một bản tranh khác với dòng chữ “Thiên thanh lộng địch suy” (Trời xanh trong tiếng sáo). Nói chung ý nghĩa của cả hai dòng chữ ấy đều rất đẹp!
Hình ảnh chú trâu trong tranh trông thật đáng yêu và ngộ nghĩnh với đôi tai vểnh lên nghe ngóng, chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, mặt vui vui nhìn cuộc đời và hình như cũng đang thưởng thức tiếng sáo du dương.
Còn cậu bé trên lưng trâu trông thật khôi ngô, khỏe đẹp. Khôi ngô biểu hiện qua ngũ quan trên khuôn mặt thật hài hòa, cân đối. Khỏe đẹp qua nước da hồng hào và thế ngồi vững chãi - khoanh hai chân vào nhau. Ngồi trên lưng trâu và thổi sáo, một lúc hai việc quả là có khả năng thích nghi cao. Không những thế, cậu bé còn là một đứa trẻ ngoan, biết chăn trâu giúp bố mẹ. Đây là hình ảnh ta thường thấy trong cuộc sống nông thôn Việt Nam xưa. Khí hậu phương Đông nắng nóng lắm, mưa ẩm nhiều nên cậu bé của chúng ta phải cởi trần, mặc quần cộc, trên đầu là một lá sen được cậu ngắt kẹp giữa hai chân. Chiếc lá sen vươn lên trời xanh che nắng cho cậu bé và hình như nó cũng muốn ngả nghiêng, uốn éo theo điệu sáo.
Nếu nhìn kỹ có thể thấy cậu bé không ngồi hẳn trên lưng trâu mà là ngồi trên một thảm hoa đặt trên lưng trâu và được trang trí bằng những bông hoa gam trầm rất sắc nét. Ngoài ra, dưới chân cậu, trên tấm thảm còn có những búp sen, lá sen, hoa sen, cọng sen với cách sắp xếp khác nhau trông thật vui mắt. Cách sắp xếp rất hay và biểu cảm. Cỏ dưới chân trâu có ba bụi nhưng mỗi bụi một vẻ không bụi nào giống bụi nào, lối chuyển động của cỏ hết sức sinh động.
Bố cục bức tranh hài hòa, vừa mắt nhìn, vừa chặt chẽ, vừa phóng khoáng. Đường nét tạo hình to rộng, chắc khỏe không cầu kỳ nhưng không bị khô cứng. Đặc biệt, nghệ nhân làng tranh Đông Hồ đã khéo phối màu đen, xanh, hồng, đỏ, nâu để tạo các hình ảnh phù hợp màu sắc của trâu, của người, của ống sáo và cây cỏ, lá sen khiến bức tranh hết sức sinh động. Chi tiết trong tranh khá đơn giản nhưng có sức gợi tả. Các chữ vừa minh họa cho chủ đề vừa khiến cho bố cục tranh hợp lý hơn.
Tranh Đông Hồ quan niệm “sống hơn giống”, bởi vậy mà sự vật, hiện tượng trong tranh tuy không sát với thực tế đến từng chi tiết nhưng lại rất sống động, có hồn. Nghệ nhân làm tranh dường như ít quan tâm đến những quy tắc, công thức hình họa mà dụng công để thổi vào đó sự rung cảm của tâm hồn nghệ sĩ cùng ước vọng một cuộc sống thanh bình. Ngắm tranh, chúng ta thấy như lạc vào thế giới của những chú bé thổi sáo, chăn trâu, thả diều trên cánh đồng yên ả, thanh bình của làng quê. Mỗi bức tranh dân gian Đông Hồ đều mang những ngụ ý, mong ước và ý nghĩa riêng. Bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” chính là sự thể hiện và gửi gắm ước mơ, khát vọng của người nông dân Việt Nam ước mong đất trời mưa thuận gió hòa, mùa nối tiếp mùa, sau mùa vụ là thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ trong lễ hội. Người ta thường mua bức tranh “Chăn trâu thổi sáo” về treo trong nhà mỗi dịp Tết đến Xuân về như muốn khích lệ con cái ngoan ngoãn, sáng tạo, lanh lợi, thông minh và biết giúp đỡ ông bà, cha mẹ. Đồng thời cũng thể hiện ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, con người và thiên nhiên hòa hợp để mùa màng được tươi tốt, cuộc sống được ấm êm.