Ngũ Xã. Còn nhiều hơn với thương hiệu phở cuốn ngày nay? Tinh hoa các tượng đồng làng Ngũ Xã, Ba Đình xưa
Hà Nội nghìn năm văn hiến với những làng nghề truyền thống vẫn âm thầm thở nhịp thở của thời gian. Mỗi ngõ nhỏ, góc phố đều mang trong mình câu chuyện về bàn tay tài hoa và tâm hồn nghệ sĩ của người thợ thủ công. Họ - những người thầm lặng gìn giữ hồn cốt văn hóa Tràng An qua bao thăng trầm lịch sử.
Thuở ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển, các nghệ nhân tài hoa có đầu óc sáng tạo, cùng những người thợ có tay nghề cao đã đúc các đồ dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu đồng... đồng thời đúc một số đồ thờ cúng như tượng Phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng... Dân làng đúc đồng Ngũ Xã trở nên quen thuộc gần gũi với người dân khắp mọi miền đất nước.
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, Thăng Long - Hà Nội. Theo sử sách ghi lại vào thời Lê (1428 - 1527), để có tiền và đồ thờ tế lễ cho nhà vua, triều đình đã tập hợp một số nghệ nhân và thợ đức đồng có tay nghề cao ở 5 xã thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) là Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Điện Tiền và Đào Viên về Thăng Long, chọn vùng đất ven hồ Trúc Bạch lập làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Tại đây, dân làng lập thành phường nghề gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã. Vì đất đai ở đây nhỏ, hẹp chưa đầy 0,23km2, nên người dân Ngũ Xã không một ai làm nghề nông mà chủ yếu làm nghề đúc đồng thủ công.
Với nguồn gốc từ các làng nghề nổi tiếng của Bắc Ninh và Hưng Yên, người dân làng Ngũ Xã, Ba Đình đã lập nên làng nghề đúc đồng mới.
Về sau làng được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, đưa nơi đây trở thành một làng nghề thủ công nổi tiếng của đất Thăng Long. Ban đầu làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Cùng thời gian và sự phát triển của nghề đúc đồng, những nghệ nhân và người thợ của làng còn đúc các đồ dùng thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày của người dân như: mâm, nồi, xanh, chậu… và sau đó đúc thêm đồ thờ cúng như : tượng, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa… Những sản phẩm trên đã đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh của người dân đất Việt. Qua nhiều thế kỷ, tên Ngũ Xã – làng đúc đồng đã trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân khắp các vùng miền. Do vậy, trong dân gian có lưu truyền câu vè ca ngợi nghề đúc đồng Ngũ Xã là một bốn trong nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa.
“Lĩnh Hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã”
Từ xưa làng nghề Ngũ Xã đã rất nổi tiếng cả trong và ngoài thành Thăng Long nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồng với những nét tinh hoa bậc nhất. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã trước đây và cả hôm nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân của kinh thành Thăng Long xưa và nay.
Tinh hoa tượng đồng Ngũ Xã
Hai tác phẩm nghệ thuật nổi bật nói lên trí tuệ, tài năng, bản sắc bí quyết và sự lao động cần mẫn, giàu sáng tạo của các nghệ nhân, thợ đúc đồng Ngũ Xã là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà được đặt tại chùa Thần Quang, ngay trên đất làng.
Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ
Pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,9m, nặng khoảng 4 tấn, chu vi 8m, được đúc năm 1677. Người dân Hà Nội cũng như các du khách trong và ngoài nước khi đến đền Quán Thánh, được chiêm ngưỡng bức tượng đồng đen do những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ Ngũ Xã sẽ không khỏi trầm trồ thán phục trước sự tinh xảo trên từng đường nét của bức tượng. Tác phẩm này đã khẳng định vị thế to lớn của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã đối với đất nước nói chung cũng như đời sống tâm linh của người dân đất Việt.
Pho tượng Phật Di Đà
Cùng với đó, sự khẳng định “Ngũ Xã là một làng nghề truyền thống nổi tiếng của đất Thăng Long” còn chính bởi pho tượng Phật Di Đà. Pho tượng này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng Phật làm bằng đồng lâu đời nhất Việt Nam. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng kỳ vĩ, độc đáo, tinh tế trên mọi phương diện, cả về kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng. Tượng được bố cục hết sức hài hòa. Vẻ mặt đức Phật hiền từ, trầm tĩnh, gần gũi. Từ thân hình, dáng ngồi đến nếp áo đều toát lên sự trầm lắng sâu xa, nhưng lại sống động như người thật. Những số đo của từng chi tiết được tính toán kỹ lưỡng và ước lượng chuẩn xác bởi nghệ nhân tạo mẫu và chỉ huy đúc tượng.
Tượng Phật Di Đà được đúc liền khối bằng đồng, có chu vi chiều ngang 11,6m, cao 3,95m, khoảng cách giữa hai đầu gối 3,6m. Tượng tọa lạc trên tòa sen bằng đồng có 96 cánh, cao 1,45m. Tính cả tượng và tòa sen làm đế, pho tượng nặng 12.300kg và cao 5,4m. So với tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh thì pho tượng Phật Di Đà to gấp bốn lần.
Người có chủ trương làm bức tượng Phật Di Đà là Thượng tọa Thích Vĩnh Tường, Trụ trì chùa Ngũ Xã lúc đó. Đạo Phật là sự trường tồn, do vậy Thượng tọa mong muốn làm một pho tượng lớn để thờ trong chùa, nó sẽ trường tồn vĩnh hằng ở mọi thời đại.
Biết nhà chùa có ý định làm bức tượng đó, dân làng Ngũ Xã rất hứng khởi. Ban trị sự của làng đã họp và cử ra những người có tay nghề cao nhất để đảm đương từng phần công việc. Mọi người trong làng dù nhiều người có tay nghề cao nhưng không ai đứng ra nhận làm. Nguyên nhân của việc này là do bức tượng vô cùng lớn, lại làm hoàn toàn bằng kỹ thuật thủ công truyền thống nên ai cũng nghĩ sẽ gặp nhiều rủi ro khi thực hiện. Cuối cùng, các cụ trong làng quyết định bầu kiến trúc sư Nguyễn Văn Tùy làm tổng chỉ huy công việc đúc tượng, ông là người có trình độ cao, từng học bên Nhật, bên Trung Quốc. Cả phường đúc đồng Ngũ Xã tập trung những người thợ tài hoa nhất. Công việc chuẩn bị phải mất ba năm, từ năm 1949 đến năm 1952, để tiến hành đúc trong hai giờ đồng hồ.
Thời điểm đó, để đúc bức tượng như vậy rất phức tạp. Máy móc không có, điện cũng không có, tất cả các công đoạn hoàn toàn làm bằng thủ công. Khâu nặn tượng để đúc là quan trọng nhất, các nghệ nhân trong làng với người đứng đầu là nghệ nhân Nguyễn Phú Hiếu phải nặn đi nặn lại cho thật ưng ý thì thôi và phải mất nửa năm mới hoàn thành khâu nặn tượng bằng đất. Sau đó chuyển sang làm tượng bằng xi măng, cuối cùng mới làm khuôn để đổ đồng. Để làm pho tượng, những người thợ phải dùng đến 70 tấn đất sét và giấy bản để làm khuôn.
Trước khi đổ đồng vào khuôn, phải nung đất chín. Nhất là phần bên trong tượng phải xây lò đốt ở dưới chân đế, đốt lên để tượng chín như gạch. Bởi vì nếu để bề mặt đất vẫn còn ướt, khi đổ nước đồng có nhiệt độ khoảng 1.400 độ C, giữa nóng và lạnh sẽ sôi và tạo hơi, khi đó bức tượng sẽ bị lỗi, rỗ và khuôn có thể bị phá.
Ngày trọng đại nấu đồng đổ tượng, nhà chùa đã huy động rất nhiều thợ trong làng ra hỗ trợ việc nấu đồng. Tất cả chia ra thành 10 lò để nấu đồng. Lúc đó cả làng như một đại công trường, làm việc cả ngày liên tục. Có như thế đồng mới được đổ đều, bức tượng mới tạo ra một khối thống nhất. Tất cả những đường gấp khúc, uốn lượn, chìm nổi trên pho tượng đều rất tinh xảo, liền nhau thành một khối hoàn chỉnh, không hề thấy một gờ gợn do sai sót kỹ thuật.
Tài hoa những người thợ Ngũ Xã
Trong nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, những người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã được đánh giá có tay nghề bậc cao. Những sản phẩm của họ làm ra trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng mà không xưởng đúc đồng nào trong cả nước bì kịp. Thành công của người thợ Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong suốt mấy trăm năm nay đã khẳng định tài năng đặc biệt của họ, bên cạnh sự thông minh sáng tạo, đôi mắt nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo và đức tính cẩn trọng, người thợ thủ công còn có bí kíp nghề nghiệp và kinh nghiệm từ lâu đời.
Điều làm nên sự khách biệt trong các sản phẩm của làng Ngũ Xã chính là ở kỹ thuật đúc liền khối. Việc đúc liền khối những sản phẩm nhỏ đã không hề đơn giản, nên đối với những sản phẩm có kích thước lớn thì khó khăn này càng nhân lên gấp bội. Để đúc thành công một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với sản phẩm thuộc loại vừa và nhỏ thì mất khoảng ba đến bốn tháng mới hoàn thành, còn với các sản phẩm lớn như chuông, tượng thời gian có thể tính bằng năm.
Khâu đầu tiên của quá trình đúc đồng là làm vật mẫu. Thông thường vật mẫu được làm bằng đất sét chuyên ngành điêu khắc, hoặc bằng thạch cao, thậm chí là nhôm. Cái khó nhất là làm sao lột tả được cái thần của nhân vật trong từng chi tiết. Công việc này đỏi hỏi người thợ phải có con mắt nghệ thuật cũng như có những hiểu biết nhất định về đối tượng cũng như hoàn cảnh lịch sử. Tiếp sau khâu làm mẫu là khâu tạo khuôn. Để tạo khuôn người thợ phải dùng đất phù sa sông (sạch sạn) và giấy bản xay nhuyễn thành loại đất có độ dai vừa phải. Trước khi dùng đất đắp khuôn phải rắc một lớp bột vôi hoặc quét một lớp dầu lên vật mẫu để tránh không bị dính khuôn. Khi tiến hành đắp khuôn, người thợ phải miết tay thật kĩ để sao cho các họa tiết, hoa văn, đường nét của vật mẫu in nổi rõ nét vào khuôn. Cách làm khuôn ở làng Ngũ Xã cầu kì hơn các nơi khác ở chỗ, sau khi đắp các lớp áo, người thợ sẽ đợi cho khô mới tiến hành “vỗ khuôn” để các đường nét, chi tiết của vật mẫu ăn vào khuôn trở nên sắc nét hơn.
Ở làng Ngũ Xã phổ biến là loại khuôn hai mảnh, là khuôn được đắp hai lần, mỗi lần đắp một nửa, sau đó ghép lại với nhau, khuôn liền cũng có khi được sử dụng, nhưng chỉ sử dụng với các sản phẩm cầu kì hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
Nấu đồng là khâu thể hiện tài năng của người thợ. Để có một nồi nước đồng tốt, người thợ phải lựa chọn loại than già để đảm bảo khi nấu đồng không bị khê. Các nguyên liệu đồng, thiếc, chì sẽ được cho vào nấu chung theo một tỉ lệ bí mật. Theo kinh nghiệm của người thợ khi thấy nước đồng có màu vàng sáng bốc lên thì khi đó cho tiến hành rót đồng. Trước khi rót đồng, cần phải nung khuôn đủ nóng để đảm bảo đồng chảy đều trong khuôn. Việc rót đồng phải đều tay tránh ngắt quãng, tất nhiên phải biết ngừng nghỉ đúng lúc.
Sửa nguội là phần quan trọng trong việc hoàn thiện sản phẩm đồng. Các sản phẩm sau khi được dỡ từ khuôn ra sẽ được cắt bỏ phần thừa, vá hoặc hàn những bộ phận còn khuyết. Người thợ sẽ tiến hành mài, giũa các sản phẩm trước khi chúng được chuyển sang khâu chạm khắc, là nơi người thợ trau chuốt lại các đường nét, hoa văn, họa tiết trên mặt sản phẩm. Đánh bóng bằng giấy giáp mềm và sau đó tiến hành lên màu là những khâu cuối cùng trong việc hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm lên đến trình độ nghệ thuật.
Các sản phẩm đồng của làng Ngũ Xã làm ra luôn tạo được sự khác biệt với các sản phẩm nơi khác. Đó là “màu mắt cua” của đồng mà không nơi nào bắt chước được. Đây là kết quả của việc kết hợp đồng, nhôm, chì theo một tỉ lệ chuẩn mực và bí truyền. Chính vì thế sản phẩm đồng Ngũ Xã không bị rỗ, bị phai, để hàng trăm năm vẫn bền vững như vậy.
Ngày nay mặc dù làng nghề Ngũ Xã không còn giữ được vị trí số một trong các làng nghề đúc đồng ở Việt Nam, nhưng kỹ thuật và cách thức đúc đồng vẫn giữ được những sắc thái tinh hoa vốn có.
Làng Ngũ Xã ngày nay
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nghề đúc đồng Ngũ Xã cũng có lúc thịnh, lúc suy. Các sản phẩm đúc đồng của Ngũ Xã nổi tiếng khắp các vùng trong cả nước. Vào những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến người dân Ngũ Xã làm nghề một cách ăn đong, nhà nào làm nhà đấy theo kiểu “sáng sửa cưa, trưa mài đục”, nên thợ đúc rất nghèo. Chỉ đến năm 1952, khi Thượng tọa Thích Vĩnh Tường, Trụ trì chùa Ngũ Xã bấy giờ chủ trương đúc một pho tượng lớn Phật Di Đà, cần trưng dụng tất cả thợ giỏi trong làng, thì làng nghề mới nhộn nhịp. Sau khi đúc pho tượng, làng Ngũ Xã lại trở về không khí trầm lắng. Năm 1954, giải phóng thủ đô Hà Nội, nghề đúc chỉ còn lại chút dư âm vì chuyện thờ cúng bắt đầu bước sang giai đoạn mới, mọi người không mua nhiều đồ thờ như trước nữa. Mặt khác, đất nước đang có chiến tranh, nguyên liệu đồng rất cần thiết cho quốc phòng nên Nhà nước quản lý chặt chẽ, không cho buôn bán tự do bên ngoài. Không có nguyên liệu, lại ít người mua, người thợ Ngũ Xã không thể tiếp tục làm nghề. Để đảm bảo cuộc sống, họ phải chuyển sang công việc khác. Nghề đúc đồng Ngũ Xã cứ thế mai một dần.
Ngày nay, làng Ngũ Xã không còn “Lửa nhóm ghen năm xã gây lò” như trong bài phú nổi tiếng Tụng Tây hồ phú của Danh nhân Thăng Long Nguyễn Huy Lượng. Làng bây giờ đã lên thành phố, nhà nối nhà san sát, không còn những bãi đất rộng để các xưởng đúc có thể đặt lò nung tại làng như xưa. Ngọn lửa đốt lò của các xưởng đúc đồng Ngũ Xã giờ chỉ còn được giữ bởi gia đình hai nghệ nhân đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan. Nhưng ngọn lửa đó vẫn sẽ cháy mãi, truyền từ đời này qua đời khác. Khi mà vẫn có những người con làng Ngũ Xã dành tâm huyết cho nghề đúc đồng thủ công nổi tiếng của cha ông. Nghề đúc đồng của làng Ngũ Xã sẽ không thể bị mai một.