Phong tục tang lễ của người miền Trung diễn ra như thế nào?

Việt Nam là một đất nước với nhiều dân tộc, vùng miền và đa dạng văn hóa. Do đó, ở mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những phong tục thực hiện tang lễ khác nhau. Nhìn chung, vẫn sẽ có một vài điểm giống nhau trong quá trình thực hiện đối với phong tục tang lễ của người miền Trung.

Địa phận sinh sống của người miền Trung tại Việt Nam
Việt Nam có ba miền địa lý trải dài theo hình chữ S đó là: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Trong đó người miền Trung (Trung Bộ) là những người sinh sống trong các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận cùng một số các tỉnh Tây Nguyên.

Trong khu vực miền Trung cũng được chia ra thành ba vùng theo vị trí địa lý là:

Bắc Trung Bộ gồm: Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Duyên hải Nam Trung Bộ gồm: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng.

Khu vực Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum.

Cần chuẩn bị những gì trong phong tục tang lễ của người miền Trung
Rất ít những gia đình nào chuẩn bị trước tang lễ cho người thân của mình. Thường thì gia chủ chỉ có thể quan sát những dấu hiệu của những người đã quá lớn tuổi thông qua những dấu hiệu tuổi già. Nhưng điều này cũng không hoàn toàn chính xác, vì vậy càng chứng tỏ được việc không thể chuẩn bị kỹ càng trước cho bất kỳ một tang lễ nào.

Đối với người miền Trung, khi người thân vừa mới mất, họ sẽ nén lại sự đau thương mà chuẩn bị chỉn chu cho tang lễ với những việc như sau:

Báo tang cho những người trong gia đình, dòng tộc, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp,…

Chuẩn bị trang phục cho người đã khuất và những người trong gia đình

Tẩm liệm cho người đã mất: Lau người, điều chỉnh lại hình thể, một số gia đình còn chỉnh trang lại cho người mất.

Chuẩn bị quan tài: thường thì theo phong tục tang lễ của người miền Trung khi mua quan tài cho người đã mất sẽ là những loại bằng gỗ có tính chống nước tốt, hình vuông là chủ yêu. Và bên trong quan tài sẽ được tra kỹ lại ở bốn góc bởi nước cơm và đất sét. Bên ngoài quan tài sẽ được trang trí bởi những loại hoa văn đơn giản như hoa sen. Để kiến không bò vào trong quan tài, gia chủ sẽ sử dụng dầu hỏa bôi vào bốn chân ghế đỡ.

Phía dưới quan tài sẽ được đặt một dĩa đèn dầu phụng được thắp sáng cả ngày lẫn đêm. Người ta quan niệm rằng, làm việc này sẽ tránh được mùi tử khí tỏa  ra.

Lập bàn thờ trước khi tiến hành khâm liệm: Bàn thờ vong sẽ được đặt ở phía trước cửa. Cho những ai chưa biết, thì bàn thờ vong còn được gọi theo một cái tên khác là cỗ linh sa (một chiếc bàn rông). Linh sa sẽ bao gồm: Bài vị, ảnh, quý danh, tuổi của người đã khuất và mâm trái cây với các loại như bưởi, chuối. Nếu như người đã mất theo đạo Phật, thì gia chủ cần phải chuẩn bị thêm bàn thờ Phật trước linh tọa

Chuẩn bị cơm cúng: cơm cúng người đã mất được làm bằng cách ép hai chén cơm chặt vào nhau và cắm một đôi đũa tre, rồi đặt trên đầu người mất.

Một số thứ chuẩn bị khác như: bông cúng 2 bình (thường là hoa cúc), trái cây, nước trà, đồ chay, trà khô, ly để cúng, nhang đèn và quần áo vật dụng cá nhân của người mất.

Ngoài ra, đa phần những gia chủ sẽ thuê thêm thầy chùa về làm lễ, thuê những đội người chuyên thổi kèn hát đám ma để cho tang sự được đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất.

Những nghi lễ nào được diễn ra
Đầu tiên, sau khi nhập liệm sẽ là lễ thành phục:
Đây là nghi lễ chịu tang, tất cả những người trong gia đình nội ngoại đều phải được bịt khăn tang. Thông thường, màu của trang phục và khăn tang sẽ là màu trắng. Để phân biệt nội ngoại, thì chắt ngoại sẽ bịt khăn vàng, còn nội sẽ là khăn đỏ. Nếu theo phong tục ngày xưa, nam và nữ sẽ có những kiểu khăn tang khác nhau, nhưng bây giờ thì để đơn giản hóa hơn, gia đình thường sẽ giống nhau về mặt hình thức.

Sau lễ này thì mới chính thức phát tang và sau đó sẽ có những người quen, họ hàng, hàng xóm đến phúng viếng.

Tiếp theo sẽ là nghi thức Tang gia:
Lễ này còn được gọi là “Chiêu tịch diện”. Có nghĩa là con cháu vào các buổi trong ngày sẽ thay nhau dâng khăn mặt, bàn chải đánh răng, chậu nước và thức ăn điểm tâm từ nơi người đã khuất thường nằm ra tới linh tọa, vừa đi vừa khóc thật to. Tuy nhiên, nghi lễ này đã dần bị xóa bỏ bởi sự cầu kỳ và không mang tính trang nghiêm.

Lễ động quan và di quan:
Trước ngày di quan, gia đình của người mất thường cả đêm sẽ không ngủ. Mà họ sẽ làm thêm lễ chuyển cửu, quay quan tài một vòng với hàm ý cho vong hồn không còn nhớ đường về nhà nữa. Đến ngày động quan (ngày phát dẫn), tang chủ sẽ đặt những tờ tiền dưới ly rượu đầy phía trước nóc áo quan để thưởng cho nhà đoàn, cốt ý muốn cho quá trình di quan diễn ra suôn sẻ.

Nghi lễ Tế Đạo Trung:
Khi đi được một nửa đoạn đường đến nơi chôn cất, đoàn di quan sẽ tạm dừng lại làm lễ tế Độ Trung, mục đích của lễ này diễn ra là để đoàn di quan có thể được nghỉ ngơi, và những người chưa phúng điếu có thể đi điếu được trước khi chôn.

Lễ Hạ Huyệt (Hạ Khoáng)
Huyệt chôn người mất sẽ được đào 3 tấc đất (30cm), từ mặt đất đến nắp quan tài khoảng 1 mét, không quá cạn cũng không quá sâu làm xương bị khô hay bị mục. Người ta cho rằng, ba tất đất là nơi đủ tốt với khí âm dương. Lễ trị huyệt trước khi hạ huyệt sẽ đuổi được những vong hồn tà ác núp bên dưới huyệt.

Nghi lễ tạ thổ tại nghĩa địa
Sau khi hoàn tất quá trình chôn cất, gia chủ chuẩn bị hoa, bánh chuối, quần áo thổ thần để làm lễ tạ thổ.

Phong tục hát đám ma
Trong phong tục tang lễ của người miền Trung cũng có phong tục hát đám ma. Không khí tại tang lễ vô cùng ảm đạm bởi tiếng đàn nhị thê lương và tiếng kinh tụng trầm buồn.

Những chuẩn mực trong tang lễ cần lưu ý
Dù biết rằng, đám tang thực sự rất buồn đối với các gia chủ. Nhưng các gia chủ cũng cần thể hiện được sự văn minh trong quá trình tổ chức tang lễ như: Không hát đám ma sau 22h đêm đến 6h sáng hôm sau. Có nhiều gia chủ vì quá đau xót mà quên đi những quy tắc chuẩn mực ảnh hưởng nhiều đến đời sống của những người xung quanh.

Trong đám tang vái lạy như thế nào là đúng cách?
Vái lạy là một hình thức thể hiện sự kính trọng với người đã khuất không riêng gì đối với với phong tục tang lễ của người miền Trung. Đàn ông và đàn bà sẽ có những cách thức vái lạy khác nhau:

Đàn ông:
Đứng tư thế nghiệm, chắp hai tay trước ngực, từ từ đưa tay qua trán rồi cúi xuống. Tiếp đến, xòe hai bàn tay úp xuống đất, cúi mình, quỳ gối chân trái và co lên rồi đứng dậy.

Đàn bà:
Sẽ ngồi xuống mặt đất, để hai chân vắt chéo nghiêng về phía bên trái, bàn chân phải để dưới đùi chân bên trái và để ngửa lên trên. Sau đó tư thế vái lạy sẽ như đàn ông, nhưng khi đầu chạm đất sẽ đưa bàn tay đã xòe để lên đầu. Giữ tư thế trong 1 đến hai giây, rồi làm lại một lần nữa.

 

Bài mới
Bài cũ