Giá trị văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà sàn của các dân tộc
Nhà sàn được coi là biểu tượng văn hóa của nhiều dân tộc, bởi đó là một hình ảnh mang tính chủ đạo nổi bật trong không gian cư trú của mỗi tộc người. Nhà sàn chính là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, các dân tộc, đồng thời cũng không gian cốt yếu chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.
Tầm quan trọng của nhà sàn
Ngược dòng lịch sử, khi quan hệ của con người ở vùng cao còn bó hẹp trong phạm vi làng, bản thì mọi sinh hoạt gia đình, giao tiếp cộng đồng cùng những mối liên hệ của con người với thế giới tự nhiên chủ yếu diễn ra trong ngôi nhà sàn.
Chủ nhân ngôi nhà rất tài tình trong việc bố trí, sắp xếp, cất trữ lương thực, nông cụ, bếp lửa, chăn nuôi… cũng như khéo léo bố trí vị trí ngủ, nghỉ một cách phù hợp cho từng thành viên trong gia đình. Không gian nhà sàn còn chứa đựng những thiết chế mang yếu tố tâm linh thể hiện ở vị trí đặt ban thờ gia tiên, đặt ban thờ trong bếp... Không gian nhà sàn thoáng đãng, nên mỗi lứa tuổi đều tìm được cho mình những vị trí ngồi phù hợp. Sinh hoạt mang tính cộng đồng như vậy đã trở thành môi trường tốt để các thế hệ cùng thụ hưởng và truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của mỗi dân tộc.
Tại Cao Bằng, những giá trị văn hoá được chia tách khá khác biệt giữa các vùng, miền trong đó có cả nhà sàn. Ở các huyện miền Đông, nhà sàn được lợp bằng ngói âm dương, nhà có hai mái, thường có 3 gian hoặc 5 gian. Nguyên liệu làm nhà khá phong phú, nhưng phần lớn được làm từ gỗ. Tuy nhiên, cũng tuỳ vào điều kiện tự nhiên của từng vùng mà nguyên vật liệu làm nhà có phần khác nhau. Một số vùng dựng nhà sàn với khung gỗ nhưng vách lại trát bằng đất. Đặc biệt ở huyện Trùng Khánh, với đặc thù là huyện biên giới, thiên nhiên có phần khắc nghiệt và có nhiều biến động nên kết hợp với nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, phần lớn các ngôi nhà sàn nơi đây được dựng lên từ đá. Chính điều này đã làm cho nhà sàn có sắc thái riêng biệt khác với các nơi khác. Đến với các huyện miền Tây, đặc biệt là huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, ta dễ bắt gặp những mái nhà sàn 4 mái và được dựng hoàn toàn bằng gỗ.
Được chứng kiến cảnh người dân làm nhà thì mới thấu hiểu được sự vất vả khi dường như các khâu đều được làm bằng thủ công. Từ công đoạn dựng khung nhà, xẻ gỗ, đến đục đẽo bàn, ghế… Nhưng qua đó cũng cho thấy sự sáng tạo, cần cù và khéo léo của người dân địa phương khi không có sự hỗ trợ của máy móc. Việc dựng nhà đòi hỏi phải có nhiều công đoạn, nhiều sức lực nên bà con trong xóm thường giúp đỡ nhau. Anh em họ hàng thân thiết thì người giúp gỗ, người giúp lạt, hàng xóm thì giúp công, giúp sức. Bởi vậy mà ngôi nhà sàn được dựng lên không chỉ có ý nghĩa là nơi ở, nơi sinh hoạt của gia đình mà nó còn là biểu tượng của sự đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Cách làm nhà truyền thống được tích luỹ nhiều đời đã trở thành đặc trưng trong cộng đồng làng xã.
Một số loại nhà sàn
Cũng với nguyên liệu làm bằng gỗ nhưng nhà sàn của người Lô Lô ở huyện Bảo Lạc được dựng khang trang hơn cả. Là dân tộc sống khá khép kín và giữ nguyên bản những giá trị của các thế hệ trước để lại, không gian sinh hoạt của người Lô Lô đều ở sàn nhà. Từ uống nước, ăn uống, ngủ nghỉ, người dân nơi đây ít dùng đến giường hay bàn ghế mà chỉ trải chiếu và mọi người ngồi quây quần bên nhau. Chính điều này đã tạo nên không gian sinh hoạt ấm cúng, sum vầy.
Cũng tại huyện Bảo Lạc, cộng đồng dân tộc Sán Chỉ có cách làm nhà sàn cũng khá riêng biệt. Ngoài khung nhà được dựng bằng những cây gỗ to thì vách nhà và sàn nhà đều được dải bằng cây nứa tạo sự thoáng mát cho ngôi nhà. Nhà sàn ở miền Tây thường được chia thành nhiều gian hơn nhà sàn ở miền Đông nhưng diện tích gian lại bé hơn, thường thì từ 5 gian trở lên nhưng số gian thường nhà là số lẻ như: 3, 5, 7, 9. Và điểm chung của những ngôi nhà sàn đó là bếp lửa thường được đặt ở gian chính của ngôi nhà.
Cuộc sống ngày càng phát triển, những ngôi nhà xây bằng gạch, bằng xi măng đã dần thay thế những mái nhà sàn xưa cũ. Theo thời gian, lớp rêu ngày càng phủ dày hơn trên những nếp nhà được lợp bằng ngói âm dương. Dưới những nếp nhà sàn là nơi chứng kiến buồn vui của bao thế hệ để rồi mỗi người hiểu thêm về quá khứ, hiện tại và tương lai, trân trọng nâng niu những tài sản vô giá cả về vật chất và tinh thần đã trở thành truyền thống tốt đẹp và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn.
Những ngôi nhà sàn bình dị ấm cúng, khói lam thơm thoảng gió đồng, lách cách tiếng thoi đưa, đâu đây da diết lời ru, câu hát lượn, lốc cốc tiếng mõ trâu đàn về bản. Tất cả làm nên một vẻ đẹp trong sáng đậm tình như một bức tranh sơn thuỷ, dân dã nguyên sơ của một nền văn hoá.