Tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong ngôi nhà Việt

Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, ngôi nhà Việt đã góp phần làm nên nét đặc sắc văn hóa truyền thống Việt Nam xưa.

 Đối với người Việt, ngôi nhà chính là bộ phận cốt yếu trong khuôn viên của một gia đình và mỗi ngôi nhà đều mang đặc trưng văn hóa dân tộc.

 Chúng ta cùng khám phá giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong ngôi nhà Việt nhé!

 1. Giới thiệu đặc điểm chung của ngôi nhà Việt


 Ngôi nhà Việt truyền thống nằm trong không gian chung của làng xã, vì vậy, mặc dù có kết cấu tường rào, bức vách, tạo ra sự riêng biệt ấm cúng, nhưng đồng thời cũng đảm bảo được mối quan hệ tổng thể đối với cộng đồng. 

 Cấu trúc của ngôi nhà Việt truyền thống thường có nhiều kiểu, nhưng ta bắt gặp nhiều nhất vẫn là hai kiểu cơ bản: Cấu trúc hình thước thợ và cấu trúc hình chữ môn.

 Ở kiểu kết cấu thứ nhất có nhà chính và nhà phụ (nhà phụ ở đây thường là gian bếp), kiểu nhà này bắt gặp rất nhiều ở các làng xã đồng bằng Bắc bộ.

 Kiểu thứ hai là kết cấu nhà chính nằm ở giữa, hai bên có hai nhà phụ (một là nhà kho để chứa lương thực, một là gian bếp). Ngoài ra, còn có các kiểu nhà khác như kiểu nhà chữ đinh, chữ nhất, chữ công…

 Nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, không mấy nhà có số gian chẵn. Số lượng gian và chất liệu để làm nhà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, hoặc điều kiện môi trường thiên nhiên xung quanh.

 Ngôi nhà được kết cấu đăng đối, vì là số lẻ nên gian chính giữa bao giờ cũng dành làm nơi thờ cúng và tiếp khách.

 Bao quanh ngôi nhà là các công trình khác như giếng nước, sân phơi, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, ao thả cá, vườn tược, hoa lá, hàng rào và cổng. 

 2. Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong ngôi nhà Việt


 Giá trị văn hóa đầu tiên cần nhắc đến của ngôi nhà Việt chính là văn hóa làng xã. Tập hợp các gia đình sống quần cư tạo thành một khuôn viên riêng gọi là làng.

 Nổi bật trong văn hóa làng, xã của người Việt là tính cộng đồng, cộng cảm và tự trị tự quản. Mỗi người Việt từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành và đến khi trở về bên kia thế giới đều được ký thác vào cộng đồng làng xã.

 Các thành viên làng xã cùng nhau khai khẩn, chung sống trên một vùng đất thân quen, vùng có cây đa, bến nước, sân đình là niềm tự hào và nỗi nhớ thương mỗi khi nghĩ tới. 

 Nhà Việt thể hiện rõ nét văn hóa tâm linh thờ cúng tổ tiên bởi mỗi ngôi nhà đều đặt bàn thờ ở nơi trang trọng nhất.

 Thông thường, bàn thờ được đặt vào chính giữa của gian chính, chung quanh được trang hoàng các bức hoành phi câu đối bằng chữ Nho hoặc chữ Nôm.

 Trong ngôi nhà Việt truyền thống, thường thì tam, tứ đại đồng đường (ba, bốn thế hệ cùng chung sống). Ngôi nhà có thể tồn tại vững chắc hàng trăm năm tuổi và được truyền từ đời này sang đời khác. 

 Ngôi nhà Việt được xây dựng dựa trên sự kết tinh của tâm sức và tín ngưỡng, phong thủy.

 Bắt đầu từ mời thầy địa lý xem hướng đất, xem ngày lành tháng tốt, tuổi, đến việc chọn các vật liệu có tính bền vững để làm bộ khung cho ngôi nhà của mình. 

 Tóm lại, đối với người Việt, những ngôi nhà giản dị, mộc mạc là cả giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc.

 Bởi đó là nơi gắn với cuộc đời sinh-lão-bệnh-tử của mỗi kiếp người, gắn với linh hồn tổ tiên ngàn năm của họ. Những ngôi nhà như vậy đã góp phần làm nên nét đặc sắc văn hoá làng xã của nền văn minh lúa nước.

 Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù những nét truyền thống trong ngôi nhà Việt đang dần được cách tân thì những ngôi nhà truyền thống luôn là tài sản quý báu, cần được bảo tồn của nền văn hóa dân tộc.

 Trên đây là một số thông tin về nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngôi nhà Việt. Chuyên mục văn hóa – mỹ nghệ sẽ tiếp tục giới thiệu đến bạn các giá trị cao đẹp của dân tộc.

 

Bài mới
Bài cũ