Cây nêu ngày Tết của người Tày, Nùng
Trong quan niệm của người Tày, người Nùng và nhiều dân tộc khác, cây nêu là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên nhằm xua đuổi ma quỷ, tiêu trừ những điều xui xẻo của năm cũ.
Cây nêu ngày Tết
Mỗi dịp Tết đến, đồng bào Tày, Nùng không chỉ chú ý sửa sang nhà cửa, sắm sửa bánh trái... mà còn một công việc quan trọng: Chọn và trồng cây nêu chiều 30 Tết.
Đây là truyền thống đã có từ lâu đời và đến ngày nay vẫn được duy trì, bởi cây nêu không đơn thuần là một hình thức trang trí mà câu nêu còn mang rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần.
Trong quan niệm của người Tày, người Nùng và nhiều dân tộc khác, cây nêu là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên nhằm xua đuổi ma quỷ, tiêu trừ những điều xui xẻo của năm cũ.
Ông Nông Quốc Chiến (70 tuổi) ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn kể: Đến ngày 30 Tết, mọi gia đình trong bản rủ nhau vào rừng chọn cây tre đẹp nhất, không sâu, không cụt ngọn, lá xanh tốt mang về trồng làm nêu.
"Chọn cây nêu phải chọn cây có thân thật thẳng, các dóng thật dài, tán ngọn phải tròn, cây không quá già hoặc quá non, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Đến chiều 30 Tết, nhà nào cũng dựng một cây nêu, trên cây nêu thường treo giấy đỏ và buộc một que hương rồi mới dựng lên. Dựng lên rồi mới thắp hương vào gốc cây nêu để xua đuổi tà ma, bảo vệ mọi người trong gia đình"- ông Nông Quốc Chiến cho biết.
Cách dựng cây nêu
Sau khi lựa chọn cây tre ưng ý, đúng vào chiều 30 Tết, người đàn ông trụ cột của gia đình sẽ dựng cây nêu sát mép sàn ngoài - nơi thường được bà con phơi ngô, phơi thóc khi mùa vụ. Tùy từng địa phương có cách trang trí cây Nêu khác nhau. Thường bà con treo lên cây nêu 1 tờ giấy đỏ, 3 nén hương, bên cạnh cây nêu được buộc cây vầu nhỏ có ngọn lá xanh mướt và treo thêm một lá cờ Tổ quốc. Cũng có nơi cầu kỳ hơn khi treo thêm chiếc bánh chưng xanh hay tờ phướn ngũ sắc cùng các loại nhạc cụ như sáo, xóc nhạc then...
Theo ông Hoàng Đức Hiền (hơn 80 tuổi) ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng thì người Tày, người Nùng treo giấy đỏ, tờ phướn và nén hương trên cây nêu để xua tà ma; còn bánh chưng xanh và các vật phẩm khác là để dâng lên các đấng thần linh với ước nguyện về một năm mới no đủ, nhà nhà yên vui.
"Mỗi địa phương có một nét riêng. Thường thì buộc vào ngọn cây Nêu tiền vàng và một nén hương, ngọn cây nêu thì đếm từ trên xuống để từ 3-5 cành, đặc biệt cuối cùng là phải đầy đủ nhất, lá phải to và xanh, lá có sâu ăn vào thì không lấy. Trước khi dựng cây nêu, lấy thêm một cây vầu nhỏ cũng để ngọn như thế làm chổi quét đuổi tà ma, xua tan ám khí trong nhà. Chủ nhà cầm cây quét nhà này, huơ khắp nơi trong nhà, vừa đi vừa lẩm nhẩm: cái xấu thì đi ngay, cái tốt thì về..." - ông Hoàng Đức Hiền cho biết.
Khi cây nêu dựng xong, người già thường ngắm ngọn nêu đu đưa trong gió mà kể lại cho con cháu rằng "Xưa kia, quỷ dữ là bóng đen bao trùm, nắm giữ sức mạnh và toàn bộ đất đai trên mặt đất. Con người muốn làm nhà nên xin quỷ cho khoảnh đất bằng, nhưng không được. Sau đó, người chỉ xin cắm một cây vầu lúc tờ mờ sáng và nhận phần đất đúng bằng bóng cây mà thôi. Quỷ nghe nói “lọt tai” nên ưng thuận nhưng đến khi mặt trời lên, bóng cây vầu trải dài đến đâu thì đất của người đến đó. Quỷ bị đuổi ra biển nên đành xin người mỗi năm cho về đất liền thăm mồ mả tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán. Và khi đó, cây nêu được dựng để cấm loài quỷ đến chỗ con người đang ở...".
Câu chuyện về sự tích cây nêu được kể đi kể lại nhiều lần, được con trẻ nghe nhiều đến mức thuộc lòng từng chữ, nhưng dưới bóng cây nêu chiều 30 Tết vẫn vô cùng hấp dẫn. Hình ảnh cây nêu được dựng bên sàn luôn gợi nên cảm giác ấm cúng của gia đình đoàn tụ ngày Tết...
Ý nghĩa cây nêu
Với những người Tày, Nùng phải ly hương kiếm sống nơi đất khách quê người, cây nêu ngày Tết còn thể hiện cái "tâm" hướng về cội nguồn, quê hương bản quán.
Bà Nông Thị Ranh người Tày gốc Hà Quảng (Cao Bằng), nay lập nghiệp ở tỉnh Bình Phước cho hay, gia đình bà chuyển vào Bình Phước sinh sống được 30 năm nhưng vẫn giữ được các phong tục của dân tộc, đặc biệt trong ngày Tết không thể thiếu được tục dựng cây nêu. Khi dựng cây nêu, nhà bà thường treo lên ngọn các loại bánh sừng bò, tiền vàng, một que hương để xin lộc đầu năm... Ở Bình Phước không có cây tre như ngoài Bắc, nên bà thường lấy cây vông về để làm cây nêu.
Trong các lễ hội xuân, cây nêu cũng được dựng lên, báo cho cộng đồng người Tày, người Nùng ở khắp mọi nơi và các dân tộc anh em khác cùng về vui hội. Dưới bóng cây nêu, đồng bào gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cũng uống chén rượu xuân và cùng trao nhau những lời chúc tốt đẹp về một năm mới mùa màng bội thu, cuộc sống đủ đầy, êm ấm... Cây nêu ngày Tết đã trở thành biểu tượng gắn kết sức mạnh cộng đồng./.