Chùa Phúc Linh Phú Xuyên Hà Nội: Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống

Chùa Phúc Linh tọa lạc tại thôn Quán, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Xưa kia, vốn là một ngôi chùa nhỏ bé, khiêm nhường nằm trong xóm làng ven sông Nhuệ. Kể từ khi được sư cụ Thích Đàm Hựu về trụ trì, đến năm 2005, chùa được trùng tu lại khang trang tố hảo với diện mạo về cơ bản như hiện nay.

Tòa Đại Hùng Bảo Điện của ngôi chùa được xây dựng 2 tầng với kiến trúc đương đại, tầng trên thờ Phật, tầng dưới là nhà khách. Tuy nhiên, tầng trên vẫn giữ theo lối kiến trúc cổ truyền của chùa làng Bắc Bộ với ba gian chùa và hậu cung thờ Phật tạo thành hình chữ Đinh. Phật điện với 5 lớp tượng. Trên cùng là 3 pho Tam thế Phật. Tầng 2 từ trên xuống là bộ Tây Phương Tam Thánh với Đức Di Đà Như Lai thanh tú ngồi trên đài sen, hai vị Bồ tát Quan Âm, Thế Chí chầu 2 bên. Tầng thứ 3 là bộ tượng Thích Ca niêm hoa vi tiếu (Đức Thích Ca cầm hoa sen mỉm cười). Theo kinh Đại Phạm Thiên vương vấn Phật quyết nghi, Phạm Thiên vương một hôm viếng thăm một hội thuyết pháp của đức Phật trên đỉnh Linh Thứu. Ông cúng dâng đức Phật một cành hoa và thỉnh Phật vì chúng thuyết pháp. Thay vì thuyết pháp thì Phật chỉ cầm một nhành hoa, xen giữa những ngón tay và im lặng mỉm cười. Chẳng ai trong chúng hiểu được thâm ý ngoài ngài Ma Ha Ca Diếp với một nụ cười trả lời. Phật bảo rằng: “Ta có chính pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thật tướng không tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay trao lại cho Ma Ha Ca Diếp”. Ngài Ma Ha Ca Diếp vì vậy mà được xem là Tổ thứ nhất của Thiền tông. Tầng 4 và 5 là bộ tượng Cửu Long và hương án. Chầu quanh tòa Cửu Long có Kim Đồng, Ngọc Nữ và Thổ Địa, Thánh Tăng. Điều đặc biệt ở ngôi chùa Phúc Linh, tượng thần Thổ Địa có hình tướng một vị quan văn trẻ đẹp chứ không như hình dáng một cụ già đẹp lão thường thấy ở các chùa khác. Bộ đỉnh đồng, chân đèn đồng và bát hương thờ trên tòa Tam Bảo có từ khi khánh thành chùa. Bên gian phải chùa nhìn từ phía ngoài vào thờ đức Ông, bên gian trái là đức Thánh Hiền và ban thờ Bồ tát Địa Tạng, anh hùng liệt sỹ và tứ ân. Hai gian trong vách hậu cung Tam Bảo một bên thờ Quan Âm tọa sơn, một bên thờ Quan Âm Thị Kính.

Chùa Phúc Linh cũng vốn là ngôi chùa đã có từ lâu nhưng không có văn bia tài liệu mô tả, ghi chép lại. Những cổ vật của chùa còn lại đến ngày nay chỉ còn hai pho tượng đức Ông, đức Thánh Hiền, một quả chuông cũ đã bị hỏng cất trong hậu cung và tượng cụ Tổ đã được nhập bảo tháp. Chùa có kết cấu đơn giản, nóc chùa có tấm hoành phi đề bốn chữ Tuệ Nhãn Vô Tư - với ý nghĩa mắt trí tuệ Phật không có gì là riêng tư, coi hết thảy chúng sinh đều bình đẳng. Đôi câu đối Thụy ứng đàm hoa Tây Trúc hiển linh truyền bảo lục và Viên thành phúc quả Nam Giao sùng chúc phiến từ phong.

Nghĩa là: Điềm lành hoa đàm nước Tây trúc hiển linh truyền tụng qua sách quý. Tròn đầy quả phúc cõi Nam Giao sùng mộ tạo nên ngọn gió từ. Đạo Phật xưa vốn hưng khởi tại Tây Trúc, chư Phật xuất thế độ sinh khiến hoa ưu đàm nở báo hiệu điềm lành. Đức Phật độ sinh thuyết pháp được lưu truyền qua những bộ pháp bảo. Phật pháp sau này khi được truyền sang Đông Độ, đến nước ta gọi là cõi Nam Giao hiện nay vẫn thịnh hành, những người mộ đạo tu hành viên thành quả phúc như ngọn gió từ bi luôn quạt mát cho tâm chúng sinh nơi nhà lửa Tam giới.

Ngoài hiên chùa dưới nhà khách gắn bia công đức lưu lại phương danh các vị đàn na tín thí phát tâm cúng dàng xây dựng chùa Phúc Linh. Bên trái tòa Tam Bảo là một gian nhà thờ Tổ, bên phải tòa Tam Bảo là nhà Mẫu ba gian thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, công đồng các Quan, Trần Triều và động Sơn Trang. Trước đây, ngôi chùa có tượng một vị Tổ đã từng trông nom ngôi chùa, sau khi viên tịch, dân làng họ nhớ ơn tạc tượng thờ. Trải qua thời gian đã lâu nên nhà chùa không xác định được tên cụ Tổ. Năm 2005 sau khi xây chùa thì thấy tượng Tổ làm bằng đất nung, tay của Tổ bị mủn nên không thể thờ được nữa đành mời Tổ ra chỗ tháp gần nhà Mẫu ngày nay. Sau khi xây dựng xong chùa là có tượng mới mà hiện nay đang thờ trong nhà Tổ. Sau khi sư cụ Thích Đàm Hựu viên tịch, tượng cụ cũng được thờ trong nhà Tổ chùa Phúc Linh. Tại nhà khách của chùa có treo bức ảnh kỷ niệm ngày đại lễ khánh thành chùa Phúc Linh năm 2005 và những hình ảnh trong cuộc đời tu hành của sư cụ Thích Đàm Hựu, hình ảnh tang lễ và những ngày trai tuần tưởng niệm cụ…

Hiện nay trụ trì chùa Phúc Linh là Ni trưởng Thích Đàm Hiện. Ni trưởng nay đã gần 90 tuổi, xuất gia từ nhỏ tại chùa Hồng Ân, xã Châu Can. Sau khi sư cụ Thích Đàm Hựu viên tịch, Ni trưởng đã kế nghiệp thầy Tổ trụ trì chùa Phúc Linh, chăm lo Phật sự tín ngưỡng cho bà con nhân dân địa phương. Với sự hộ trì của nhân dân Phật tử cũng như sự tinh tiến tu hành nên mặc dù tuổi đã cao, sư cụ Thích Đàm Hiện vẫn duy trì ổn định việc chăm lo đèn hương tụng kinh thỉnh Phật cầu phúc cho dân thôn bản quán, thiên hạ thái bình no ấm, hạnh phúc.

Cổng chùa Phúc Linh hướng vào đường làng, dân thôn tiện đi lại. Bao quanh khuôn viên chùa là những cánh đồng rộng lớn. Phía trước chùa là vườn chùa với hoa trái tươi tốt quanh năm. Giữa vườn chùa là công trình giếng và lầu thờ Bồ tát Quan Âm uy nghiêm. Giếng chùa có hình tròn, ở giữa giếng là lầu Quan Âm. Để ra giữa giếng chiêm bái đức Quan Âm phải đi qua cây cầu. Quanh giếng là những khóm hoa đua nhau khoe sắc thắm cúng  dàng, tôn nghiêm cảnh Phật. Những dịp lễ bái, tín đồ Phật tử lại phóng sinh cá chép vàng xuống giếng chùa.

Tuy chỉ là một thôn nhỏ trong xã Châu Can nhưng chính quyền và bà con nhân dân thôn Quán vẫn luôn chung tay gắng sức góp phần xây dựng cho làng quê mình luôn khang trang, giàu đẹp, văn minh. Thôn Quán có đầy đủ các công trình đáp ứng đời sống văn hóa cho bà con trong thôn như nhà văn hóa thôn, đình, chùa, cổng làng… Ngôi chùa Phúc Linh là nơi kết nối giữa nhà chùa và nhân dân. Mỗi khi có công việc, ngày Tết, bà con lại lên chùa dâng hương lễ Phật, lễ Mẫu gửi gắm những tâm huyết thiện lành. Hằng ngày, các Phật tử trong thôn cũng phân công nhau lên chùa quét dọn, làm vườn để trang nghiêm cảnh Phật, vun bồi cội phúc cho bản thân, gia đình. Người có tâm linh hướng về ngôi chùa Tam Bảo thì cuộc sống luôn bình an hạnh phúc, ấy cũng là ý nghĩa tên chữ của chùa - Phúc Linh tự.

Bài mới
Bài cũ