Nét đẹp làng An Cố
Làng An Cố nay thuộc thôn An Cố xã Thụy An huyện Thái Thụy. Tại vùng đất này có quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia: Đình, Đền An Cố với giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Trải qua thăng trầm của thời gian, nhưng An Cố vẫn mang trong mình một nét đẹp thanh bình của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Về với làng An Cố, hình ảnh đầu tiên ấn tượng ở nơi vùng quê ven biển này là ngôi Đình An Cố. Đây là nơi thờ Đức Nam Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Ngôi đình với sức chứa vài trăm người và gây ấn tượng với các chạm trổ công phu, tinh xảo, có thềm dài 18 m, rộng 12 m, lát đá phiến bào gọt. Đình An Cố cùng với đình Trà Cổ (Quảng Ninh) và đình Hàng Kênh (Hải Phòng) là ba ngôi đình cổ và lớn nhất vùng ven biển Bắc Bộ.
Đình An Cố là khối kiến trúc đồ sộ tiêu biểu cho nền kiến trúc và mỹ thuật của thời giai đoạn cuối của nhà hậu Lê. Ngôi đình được xây dựng thời hậu Lê, năm 1527. Có 1 vị tướng phò vua giúp nước, có nhiều công lao. Sau ông được ân công mang đại điện ở cung đình về khởi dựng ở làng An Cố thành ngôi đình lớn như ngày nay. Ngôi đình xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm 7 gian và 1 hậu cung. Với nét kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình An Cố được người dân khắp nơi tìm đến chiêm ngưỡng.
Các mảng chạm khắc trong đình An Cố thể hiện sinh động bối cảnh xã hội và các sự kiện lịch sử thời nhà hậu Lê. Các vì trung tâm, vì hồi, vì nách đều được chạm trổ hoành tráng, tinh xảo với 500 bức đầu rồng. Nội thất kiểu chồng rường, hệ thống rường, xà kết thành mảng, tổng cộng trong đình có 56 mảng chạm. Hệ thống đầu dư đồ sộ, mỗi dư chạm nhiều đầu rồng, tỉ mỉ đến từng sợi râu, chiếc vẩy rồng.
Bức cửa võng cao 1,2m, rộng 3,8m có gần trăm mảng chạm hình rồng, phượng. Hệ thống hai tầng cửa võng với rồng cõng đài sen, rồng kéo đầu võng, có chỗ lại cuộn thành lớp lớp, râu bờm dựng ngược, quấn quýt lấy nhau. Rồng và lửa là đề tài phổ biến được thể hiện trong điêu khắc hai triều Lê, Mạc. Hiện đình còn lưu giữ 13 đạo sắc phong của các triều đại còn nguyên triện đỏ.
Năm 1962, Đình An Cố và chùa Keo (huyện Vũ Thư) là 2 di tích đầu tiên của tỉnh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Cấp quốc gia. Ngày nay, đình An Cố trở thành viên ngọc quý trong các di sản kiến trúc văn hóa thời Lê - Mạc.
Bất kỳ ai khi đặt chân đến nơi đây đều cảm nhận được một làng quê thanh bình với hình ảnh “Cây đa, giếng nước, sân đình”. Ngoài đình An Cố, thì nơi đây còn lưu giữ được 1 giếng cổ của làng. Giếng làng nơi in dấu nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng làng xã xưa. Giếng làng được hình thành từ sau khi đình được khởi dựng. Dưới mặt nước là đá hộc, trên mặt nước thành giếng được xây bằng gạch. Từ năm 1965, trở về trước giếng là nơi bà con người dân trong làng sử dụng nước giếng làng để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày”
Làng An Cố đẹp, thanh bình là thế và cũng bởi nơi đây còn lưu giữ một nét đẹp đặc trưng khác biệt của vùng quê ven biển này. Một nét đặc trưng của nếp nhà ở vùng đất này, đó là nhà cổ An Cố. Nhà cổ An Cố xuất hiện đến 200 năm nay, các nhà xây dựng sau cũng khoảng 100 năm. Đặc trưng của nhà gồm 3 hàng cột, thuận chòng 3 con, gỗ lim, ngói mũi. Đó là nét đặc trưng của các nếp nhà cổ An Cố.
Ngôi nhà cổ đặc trưng của vùng quê ven biển này rất đỗi giản dị, nhưng nó đã mang trong mình nhiều “chứng tích”. Nếp nhà cổ đã gắn kết biết bao thế hệ trong mỗi gia đình. Và trở thành một nét đặc trưng mà ít nơi nào có được như hàng trăm nếp nhà cổ ở An Cố nay.
Làng An Cố xưa, vẫn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa và giá trị kiến trúc nghệ thuật lâu đời. Người dân An Cố sống một cuộc sống thanh bình, họ hăng say lao động, phát huy lợi thế cây trồng chủ lực tại địa phương với nghề trồng thuốc lào, mang lại cho họ một cuộc sống đủ đầy và gìn giữ nét đẹp văn hóa của làng quê vùng ven biển…