Chùa Mía – Nơi có nhiều pho tượng cổ nhất Việt Nam
Chùa Mía hiện còn lưu giữ 6 pho tượng đồng, 107 pho tượng gỗ và 174 pho tượng đất. Đây là một bảo tàng tín ngưỡng dân gian đặc trưng nhất của người xưa. Trong dân gian, ngôi chùa này rất linh thiêng, là nơi trấn giữ long mạch cho các làng xứ Đoài.
Xứ Đoài là một vùng đất nhân văn nổi tiếng từ bao đời nay và đi vào thơ ca. Đến thăm xứ Đoài, ngồi ở hàng chè xanh, các cụ kể chuyện về văn hóa, tín ngưỡng địa phương, càng nghe càng thích thú. Tại xứ Đoài có nhiều kiến trúc tín ngưỡng dân gian được lưu truyền nhiều đời nay…
Xứ Đoài nằm ở thành phố Sơn Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng một giờ đi xe. Dù đô thị hóa đã nhiều nhưng vùng đất này vẫn còn đó những nét cổ kính. Du khách tìm về xứ Đoài như tìm về một không gian xưa của trăm năm và có cảm giác như bước chân vào vùng đất quá khứ của nhiều thế kỷ. Nhiều công trình dân sinh hiện đại được xây dựng nhưng khách vẫn dễ tìm được dấu vết xưa, như cổng làng xưa, ao sen, con đường lót đá tổ ong…
Trước chùa có một cái chợ. Người ta nhóm chợ, mở hàng nước chè xanh dọc hai bên đường vào chùa như lưu giữ một nét văn hóa chợ lâu đời ở đất Bắc. Nơi đây gần như không có tiếng động cơ. Người ta vẫn đi lại bằng xe đạp, xe thồ hàng hoặc đi bộ. Không gian yên ắng đến lạ lùng.
Theo lời các cụ cao niên kể lại, xứ Đoài là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tiền nhân đã nhìn thấy địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông nên chọn nơi đây xây dựng làng. Địa phương này từng là quê hương của Ngô Quyền, Phùng Hưng...
Chúng tôi đến xứ Đoài khi đã quá trưa. Đường sá vắng người đi lại. Thỉnh thoảng có vài đoàn khách tham quan ghé thăm làng. Nghe giọng miền Nam, các cụ hỏi han rất nhiều. Hàng nước chè, nước vối đặt bên vệ đường với mái che liêu xiêu y hệt như trong văn, thơ xưa. Trong làng có đến 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 1 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Phần lớn các công trình kiến trúc tôn giáo và nhà cổ có niên đại đến 300-400 năm tuổi. Đó là chưa kể những ngôi nhà trên 200 năm tuổi hiện vẫn tồn tại.
Chúng tôi tìm đến đình làng Mông Phụ - nơi thờ thần Tản Viên, tức Sơn Tinh trong truyền thuyết. Ngôi đình này có đến 400 năm tuổi. Vị trí đình nằm thấp hơn so với mặt đường nhưng không hề bị nước ngập. Bao nhiêu nước đổ về sân đình đều thoát ra hai bên như hai cái râu rồng. Theo quan niệm xưa, nước càng nhiều, chảy càng mạnh là điều tốt cho làng. Điểm đặc trưng của những công trình kiến trúc tín ngưỡng hay nhà ở trong làng đều được xây dựng tỉ mỉ: cột làm bằng gỗ lim, nội thất có nhiều họa tiết trang trí bằng gỗ với những chi tiết sắc sảo. Trải qua hàng trăm năm, các công trình này vẫn vững chãi.
Sau đình Mông Phụ, chùa Mía là điểm đến gắn với tín ngưỡng của người dân xứ Đoài. Không ai còn nhớ chùa Mía được xây dựng từ năm nào. Các tài liệu chỉ ghi lại lần trùng tu đầu tiên là vào thế kỷ 17. Khi đó, vào khoảng năm 1632, cung phi Ngọc Dung đã đứng ra tổ chức trùng tu lại chùa trên nền đất gò. Về sau, người dân ghi nhớ công ơn cung phi và tôn bà thành Bà Chúa gắn với địa danh Tổng Mía nên gọi là Bà Chúa Mía. Ngôi tiền đường cổ kính được xây dựng trên nền đất cao hơn. Tại đây, có một tấm bia đá ghi lại việc xây dựng và trùng tu chùa. Gian trái thờ Bà Chúa Liễu Hạnh mang nặng tín ngưỡng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ xưa. Qua khỏi ngôi tiền đường và gian thờ Tổ là chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ đặc trưng. Mỗi gian đều được xây dựng bằng kiến trúc gỗ, mái ngói cong vút. Các bộ cột, kèo được chạm khắc tinh xảo từ gỗ quý. Trải qua hàng trăm năm, cột, kèo vẫn sừng sững, tạo nét uy nghi cho ngôi chùa. Đặc biệt, các tượng thờ trong chùa rất lớn. Có tượng cao gần đến mái nhà.
Chùa Mía hiện còn giữ 287 pho tượng cổ. Trong đó, có 6 pho tượng đồng, 107 pho tượng gỗ và 174 pho tượng đất (làm từ đất sét và rễ cây si). Đây là một bảo tàng tín ngưỡng dân gian đặc trưng nhất của người xưa. Trong dân gian, ngôi chùa này rất linh thiêng, là nơi trấn giữ long mạch cho các làng xứ Đoài. Trải qua những biến loạn thời cuộc, những năm kháng Pháp rồi chiến tranh chống Mỹ nhưng chùa vẫn sừng sững, uy nghiêm. Du khách đến viếng chùa Mía thường không vội vã. Có lẽ do không gian u tịch và cổ kính của ngôi chùa làm người ta quên đi thời gian. Đi giữa không gian cổ kính, khách tưởng chừng nghe được tiếng ngày xưa vọng về.
Một buổi chiều để lang thang ở xứ Đoài không đủ để đi thăm hết được miền di tích này. Những câu chuyện về tín ngưỡng dân gian, về long mạch của làng và những câu chuyện truyền tụng đã níu chân chúng tôi. Rong ruổi trên con đường lót đá tổ ong, đi qua những ngôi nhà rêu phong để khi xa, chúng tôi vẫn miên man nỗi nhớ của thi sĩ Quang Dũng: "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em có bao giờ em nhớ thương?".