Tôi là dân Thái "Lọ"

Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, gọi cái bình là cái lọ. Người Nam ta gọi cái để cắm hoa là “bình bông”, còn quê tôi gọi đó là cái “lọ hoa”. Vì vậy cứ có người hỏi, bác quê ở đâu thì tôi đều nói vui rằng tôi quê ở “Thái Lọ”.

Thái "Lọ" - Thái Bình quê tôi

Chỉ là vui thôi mà, nhưng không khỏi có người nghĩ tôi coi thường quê hương mình. Nhất là khi tôi nhắc đến bài vè:

Thái Bình có cái cầu Bo

Có nhà máy cháo, có lò đúc muôi (miền nam gọi là cái muỗng)

Thái Bình là đất ăn chơi

Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành…

Thái Bình có dân giàu thay

“Va-li” gậy trúc chiều nay lên đường

Hiên ngang đi giữa phố phường

Dang tay ôm lấy tình thương đồng bào

Năm xu cho chí một hào

Củ khoai củ sắn bỏ vào va-li…

Ý nghĩa bài vè về dân Thái "Lọ" - Thái Bình

Bạn đừng tưởng bài vè này người ta sáng tác ra là để chế diễu dân Thái Bình? Không đâu, nó nói lên một giai đoạn lịch sử của dân Thái Bình đó. Điển hình là tháng Ba năm 1945, thời gian mà Thái Bình và Nam Định có hai triệu dân bị chết đói (Lịch sử đã ghi lại, vì vậy tôi không cần nói về nguyên nhân của nạn đói năm ấy). Chúng tôi, những người dân Thái Bình tự hào rằng mình đã vươn lên, đứng lên từ sự khốn khó đó. Gần hai mươi năm đầu đời của tôi đã ở đó, đã nếm trải những sự cay đắng ở đó và cũng tham gia với người dân quê tôi chống lại kẻ chiếm đóng là thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Pháp, quê tôi có làng Nguyễn, suốt cuộc kháng chiến chín năm, Pháp chẳng thể vào được làng. Sau này làng Nguyễn được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng”. Cầu Bo của Thái Bình đã có một thời gọi tên là cầu “Trời ơi”, vì quân Pháp thường mang người mình ra đó bắn rồi hất xác xuống sông Trà Lý. Mỗi tiếng súng nổ là người ta lại nghe tiếng kêu “Trời ơi”. Xuất phát của cái tên oan nghiệt đó, bắt nguồn từ đây. Đến thời chống Mỹ, quê tôi có khẩu hiệu: “Lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến, hai mươi năm (1954-1975), thanh niên quê tôi gia nhập quân đội rất đông, nhưng hầu như không có kẻ đào ngũ. Thanh niên trai tráng trong làng ra trận, việc đồng ruộng do bàn tay những người phụ nữ đảm nhiệm. Ấy thế mà, Thái Bình chính là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa năm tấn trên một hec-ta. Nhạc sĩ Hoàng Vân, từ cảm hứng đó đã viết bài hát:

“Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh

“Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình

“Hai chị em trên hai trận tuyến

“Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang…”

Thái Bình là nơi “đất chật, người đông”, bình quân ruộng đất trên đầu người chỉ có ba sào Bắc bộ (1 sào bằng 360 mét vuông), chứ không phải sào của Nam bộ (1.000 mét vuông). Dân tôi gọi đó là “cái xiềng ba sào”, dân số ngày một tăng lên, chứ ruộng đất có đẻ thêm được đâu, vì vậy từ đời này sang đời khác, không có cách gì gỡ bỏ cái xiềng đó.

Thái Bình còn có người Việt Nam đầu tiên (cũng có thể nói người châu Á đầu tiên) thực hiện chuyến bay vào vũ trụ với các phi công Xô Viết. Nhiều người vẫn còn diễu rằng, cái anh Phạm Tuân này ngồi “port de bagage” (pooc-ba-ga – phần để chở hàng của cái xe đạp) để đi nhờ lên vũ trụ. Thì cũng có sao? Đâu phải ai muốn ngồi để người ta đèo lên là được đâu!

Chẳng riêng gì Thái Bình, cái thời ngày xưa khốn khó ấy, chẳng thể nói ai giàu hơn ai. Người ta đặt ra những bài hò vè, theo kiểu dân gian, một người xướng, những người khác họa theo, thế là thành một bài vè hoàn chỉnh. Thí dụ, đố ai làm cho người Thanh Hóa tức giận khi đọc bài vè “Dô tá dô tà”, trong đó có câu

“Nông nghiệp nhà nhà

“Trồng cây rau má

“Biển khơi lắm cá

“Mười mẻ một cân…

Vì đó là một thời khốn khó của Thanh Hóa cũng như của bao nhiêu tỉnh thành khác. Thanh Hóa chẳng hơn gì, cũng đi lên từ sự khốn khó đó, để làm nên một Thanh Hóa ngày nay có nền kinh tế đứng thứ Chín trong sáu mươi tư tỉnh và thành phố. Vậy thì đáng buồn hay đáng tự hào? Quá khứ chỉ là một tấm gương để ta soi rọi vào đó để so sánh với cái ta có hôm nay, coi chúng to lớn nhường nào?

Tôi tự hào là người Thái Bình có quá khứ nghèo khổ. Bạn tự hào là dân của quê hương bạn cũng đã làm nên lịch sử cho riêng mình, bắt đầu từ những sự khốn khó đó. Tự hào quá phải không bạn?

Bài mới
Bài cũ