Sự tích, ý nghĩa cá chép hóa rồng là gì?
Cá chép hóa rồng là một hình tượng quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung, là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn. Vậy sự tích và ý nghĩa của hình ảnh cá chép hóa rồng là như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Sự tích cá chép hóa rồng
Sự tích cá chép hóa rồng là một huyền thoại cổ của người châu Á. Truyền thuyết kể rằng, vào thuở trời đất mới hình thành, chính Trời đã làm ra mưa gió, giông, sét. Nước có từ mưa hình thành nên sông biển và những sinh vật sống trong nước được Trời tạo ra tự nhiên và từ đó hình thành nên mọi thứ trên Trái Đất.
Sau này, vì Trời bận bịu với việc tạo ra con người mà không làm mưa gió nữa liền sai rồng là con vật ở cõi trời, bay lượn ở trên không và phun nước xuống trần gian làm ra mưa. Nhưng vì số rồng trên trời ít, không đủ làm mưa cho đều khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén chọn các con vật lên làm rồng, gọi là “thi rồng”.
Chiếu Trời ban xuống dưới Thủy cung, vua Thủy Tề là vị vua trông coi các công việc ở dưới nước, loan báo cho tất cả các sinh vật sống dưới nước khiến chúng tranh nhau đi thi. Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa rồng.
Trong suốt một tháng, rất nhiều loài thủy tộc đã đến tham gia thi tài nhưng đều bị loại. Có con cá rô nhảy qua được một đợt, đợt sau liền bị rơi xuống. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, tưởng như đã sắp thành rồng thì đến đợt ba bị đuối sức nên ngã xuống, từ đó lưng tôm mới bị cong lại. Thời gian cứ thế trôi qua, hết loài này đến loài khác thử sức đều thất bại, mãi cho đến khi có một con cá chép đặc biệt xuất hiện.
Con cá chép này đặc biệt bởi trong miệng nó có ngậm một viên ngọc quý. Thần gió thấy lạ liền bay đến xem khiến cho gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời và những đợt sóng cao trỗi dậy. Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt luôn một lần qua ba đợt sóng, nhả ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa Rồng.
Ý nghĩa hình tượng cá chép hóa rồng
Có thể thấy, các loài sinh vật dưới nước, con nào cũng muốn vượt qua Vũ Long Môn, bởi khi vượt qua được, chúng sẽ trở thành rồng trời, được sống bất tử trong hình dạng oai phong, rạng rỡ. Thế nhưng không phải con vật nào cũng giống như cá chép, cũng không phải con cá chép nào nào cũng mang trong mình viên ngọc quý và có đủ phẩm chất vượt qua sóng sao, nước sâu, vượt qua mưa gió sấm chớp để có thể hóa rồng.
Nó cũng giống như trong cuộc sống của chúng ta, ai ai cũng muốn thành công, ai ai cũng muốn đứng trên đỉnh vinh quang, đạt được những điều cao quý nhưng không phải ai cũng là "cá chép hóa rồng", không phải ai cũng có thể bước đến thành công. Chỉ những người mang trong mình phẩm chất tinh anh nhất, cùng với sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ mới có thể chạm đến vinh quang, mới có thể thành công "hóa rồng".
Hình ảnh cá chép hóa rồng vượt Vũ Môn mang rất nhiều ý nghĩa phong thủy cũng như ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và cũng nhờ những ý nghĩa dưới đây mà người xưa mới chọn cá chép làm vật cưỡi để đưa ông Công, ông Táo về Thiên Đình chầu Ngọc Hoàng trong những ngày cuối năm Âm lịch. Những ý nghĩa của hình tượng cá chép hóa rồng là:
Phẩm chất đáng quý (trong thân có ngọc) tạo sự khác biệt với muôn loài, có sức khỏe dồi dào.
Sự hy sinh, kiên trì, bền bỉ, sẵn sàng đối mặt với thử thách, đau đớn để đạt được ước mơ hóa rồng. Bản lĩnh khắc phục khó khăn trở ngại, sự can đảm vượt lên trên khó khăn.
Hình tượng cá chép hóa rồng cũng là kết tinh của sự may mắn, thành công, chiến thắng, đồng thời cũng là biểu tượng khát vọng thành công.
Cá chép hóa rồng phun nước làm cho đất đai mầu mỡ, cây cối xanh tươi, đem lại sức sống cho muôn loài, biểu tượng của sự sung túc, ấm no, hạnh phúc.