Gàn đến thế là cùng!

Chẳng chịu vâng lời mà lại thích lí sự, “cãi chày cãi cối”. Đó là những người không biết lắng nghe, thiếu tinh thần cầu thị. Việc gì cũng cứ tỏ ra ta đây là người hiểu biết, nhất nhất làm theo ý mình.

 Nếu có một ai đó có những suy nghĩ hay hành động rõ ràng trái với lẽ thường, mà ai bảo cũng không nghe thì chắc chắn người đó sẽ bị gán cho là: “Đúng là kẻ gàn bát sách”: Mở miệng nói ra gàn bát sách/ Mím môi chén mãi tít cung thang (Nguyễn Khuyến).

 Nhưng cái tinh ngang ngang, gàn dở ấy có liên quan gì đến bát sách mà lại nói gàn bát sách? Bát sách là gì thế nhỉ? Phải chăng trong xã hội xưa người ta có tám cuốn sách, hay tám phương sách (bát sách) để bất cứ ai khi hành động hay suy nghĩ đều phải tuân thủ như một thứ cẩm nang? Còn kẻ nào đó chả xem chúng ra gì thì mới gọi là gàn bát sách (tức không chịu học hỏi, bỏ qua tám cuốn sách đáng đọc)?

 Sự thực “bát sách” là tên một trong một trăm hai mươi quân của cỗ bài tổ tôm (八 : bát, 索: sách). Quân bài đó vẽ hình một người phụ nữ (tất nhiên là phụ nữ thời trước, với đầy đủ trang phục của thời đó) đang ngồi với điếu thuốc vắt vẻo trên môi. Với quan niệm xưa, phụ nữ hút thuốc đã là dở, đây lại hút một cách nghênh ngang thì quả là không bình thường, là ngang, là gàn, là quá gàn.

 Cũng tương tự cách đó, một quân bài khác của cỗ tổ tôm cũng đi vào kho thành ngữ tiếng Việt, tuy ít phổ biến hơn, đó là quân bài không thang. Quân này vẽ hình một phụ nữ đang trâng tráo vạch vú cho con bú. Cái lì lợm của hình vẽ đó đã cho ra đời thành ngữ lì không thang. Trong tác phẩm Ngọc Kiều Lê, một tác phẩm ra đời hồi thế kỉ 19, Lý Văn Phức chỉ bằng một câu với sự vận dụng hai thành ngữ này, nhân vật Dĩnh Lang mà tác giả miêu tả đã hiện lên rõ ràng từ tính cách đến ngoại hình:

 Dĩnh Lang tên ấy ngu si
Tính gàn bát sách, mặt lì không thang

 Giờ đây trong cuộc sống, cũng chẳng thiếu những người lập dị. ngang như cua, gàn bát sách thế đâu. Đôi lần đây đó, ta bắt gặp ai đó, cứ muốn khẳng định “cái tôi” to tướng của mình trước thiên hạ. Họ tự cho họ có tầm nhìn, tầm tri thức hơn hẳn và vì vậy nhiều khi, họ “lên giọng tiên chỉ”, khăng khăng không chịu nghe ai cả. Hoặc có người chỉ là phận con phận cháu, song nhất quyết cưỡng lời cha mẹ, ông bà trong những tình huống hệ trọng cần thận trọng (học hành, chọn ngành chọn nghề, xây dựng gia đình,…). Chẳng chịu vâng lời mà lại thích lí sự, “cãi chày cãi cối”. Đó là những người không biết lắng nghe, thiếu tinh thần cầu thị. Việc gì cũng cứ tỏ ra ta đây là người hiểu biết, nhất nhất làm theo ý mình:

 Anh chàng ấy thật lạ đời
Tính gàn bát sách chẳng người nào ưa 

 

Bài mới
Bài cũ