Đi cà kheo - phương thức di chuyển độc đáo của đồng bào Ba Na
Bất kể là gái hay trai, người lớn hay trẻ em hễ là đồng bào Na Na ở làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đắk Pơ, Gia Lai thì không ai là không biết đi cà kheo. Điều ấn tượng là họ có thể chạy trên đôi cà kheo một cách dễ dàng như chính đôi chân của mình.
Sự ra đời của cà kheo
Không biết từ khi nào, cư dân làng Jun đã coi cà kheo như đôi chân thứ hai của mình. Theo già làng Chơ Rơn (làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đắk Pơ, Gia Lai), thì cứ đến mùa mưa, đường làng lại lầy lội bùn đất, để giữ cho đôi chân sạch sẽ, không vấy bẩn đất cát vào nhà, nhất là nhà rông của làng, người làng Jun đã nghĩ ra cây cà kheo để đi ra ngoài đường.
“Hồi xưa dân làng mình đi cà kheo qua sông suối và vũng lầy vào mùa mưa. Bây giờ con cháu đi cà kheo để thi đấu, biểu diễn trong các lễ hội. Đó là bản sắc của đồng bào Ba Na mà dân làng mình luôn giữ gìn!”, già làng Chơ Rơn tâm sự.
Người dân làng Jun còn dùng cà kheo vượt sông, lội suối đi làm rẫy, đi thăm nom nhau lúc ốm đau. Khi bắt được nhiều cá suối, lấy được nhiều măng rừng người dân làng Jun lại khoác gùi lên vai, hò nhau di chuyển qua hàng chục km đường đất đỏ lầy lội để rời khỏi buôn làng ra thị trấn, trao đổi lấy các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống.
Cũng từ đó, những đứa trẻ lên 5, lên 6 bắt đầu tập làm quen với cây cà kheo, người lớn tuổi, sức khỏe giảm, kinh nghiệm nhiều, được bố trí làm những ông thầy huấn luyện cà kheo cho trẻ nhỏ trong làng. Đồng thời, để giữ gìn nét đẹp văn hóa này, cứ 10 tháng, người làng Jun lại tổ chức một cuộc thi cà kheo 1 lần, giải thưởng là những gói bánh hoặc một cặp cà kheo mới.
Hiện nay, mặc dù những con đường lầy lội, đã dần được “bê tông hóa” nhưng người làng Jun vẫn đi cà kheo như một trò chơi vừa để thể hiện sự khéo léo, vừa để giữ lại một nét đẹp trong các lễ hội của làng.
Cách đi cà kheo và trò chơi thi đi cà kheo
Để thực hiện trò chơi, người ta dùng 2 cây tre già và chắc, dài từ 2m trở lên. Độ cao của bệ đặt chân cách mặt đất khoảng 1,5m, cột 2 cái khấc cũng bằng tre làm bàn đạp để đứng lên đó đi thay chân, hai tay bám chắc vào thân cây tre tạo thế cân bằng. Chỗ đặt bàn chân do chịu cả lực đẩy và trọng lượng của cơ thể, nên chọn được một bộ cà kheo ưng ý để đi thi đấu cũng khá công phu.
Cà kheo là trò chơi tập thể, chủ yếu dành cho các bạn nam nữ thanh niên. Để đi được trên cà kheo đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt và phải khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay.
Trong cuộc thi tuỳ theo độ cao của cà kheo để trọng tài phân cấp người thi. Người chơi thường chia làm hai đội để thi đấu với nhau. Trước khi chơi, trọng tài thường đề ra luật chơi nếu ai ngã khi đang thi đấu; hoặc không kịp thời gian thi đấu thì bị phạt theo quy định của cuộc chơi.
Các cuộc thi đi cà kheo thường là thi như thi đi bộ hoặc thi chạy. Tuy vào quy định của cuộc thi mà người tham dự phải thi đi nhanh, đi vào chỗ khó, chỗ gập ghềnh hoặc ruộng nước... Cuộc thi thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho cả người chơi và khán giả bởi những tình tiết lý thú của trò chơi.
Sau khi chọn được đội thắng cuộc, họ sang các thôn, làng khác để thi tiếp. Vì thế mà gần chục năm qua, những chàng trai, cô gái làng Jun đã mang đôi cà kheo vượt hàng trăm cây số lên TP. Pleiku và xa hơn, đi tới Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Phước để tham gia các hội thi cũng như biểu diễn tại các lễ hội.